Thảm xanh – Tác giả Nguyễn Thành Hưng (Ảnh dự thi “Đa dạng sinh học Việt Nam 2013”)
Khu DTSQ Mũi Cà Mau được công nhận ngày 26/05/2009 với tổng diện tích: 371.506 ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329 ha, vùng đệm 43.309 ha và vùng chuyển tiếp 310.868 ha. Tại vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven Biển Tây. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển… mỗi hệ sinh thái đều lưu giữ các nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao.
Khu DTSQ Mũi Cà Mau là vùng rừng ngập mặn diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi tạo nên bãi đẻ và nuôi dưỡng nguồn giống các loài thủy sản, hải sản rộng lớn ở vịnh Thái Lan. Đây là mô hình phát triển bền vững của địa phương thông qua việc bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế và gần gũi các giá trị văn hóa được thể hiện ở 3 vùng lõi là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển Tây Cà Mau.
Các vùng đệm và vùng chuyển tiếp bao quanh các vùng lõi làm nên một hành lang rộng lớn, đa dạng cảnh quan và hệ sinh thái, bao gồm các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi biển, đầm lầy ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển…
Những giá trị nội bật
– Giá trị về kinh tế: Thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài nguyên rừng và các sản phẩm dưới tán rừng, hoạt động nuôi trồng thủy sản, các hoạt động kinh tế, dịch vụ du lịch và được thụ hưởng môi trường trong sạch. Rừng ngập mặn làm giảm năng lượng sóng, bảo vệ bờ biển giảm tác hại thiên tai do bão lũ, tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn – đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường đất, cải thiện chất lượng nước, khu vực rừng tràm có trữ lượng than bùn rất lớn, có khả năng hấp thu carbon điều hòa khí hậu, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khu DTSQ còn là nơi để nghiên cứu khoa học, phục vụ cho lợi ích quốc gia.
– Giá trị về bảo tồn: Hệ thực vật được liệt kê có 239 loài thuộc 76 họ, hệ động vật có 36 loài thuộc 17 họ, có 7 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam, 4 loài cấm xuất khẩu ghi trong phụ lục Cites là 4 loài, loài chim gồm có 208 loài thuộc 51 họ (trong đó chim di cư có 56 loài thuộc 17 họ).
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 19 sân chim, đây là thành phần quan trọng đối với sinh cảnh rừng ngập mặn Cà Mau, điều kiện môi trường của Cà Mau với hệ sinh thái còn rất đa dạng và phong phú, cần được quản lý và bảo vệ.
– Giá trị về bảo vệ môi trường: Các dãy rừng ngập mặn dọc theo bờ biển và bờ sông có tác dụng quan trọng trong việc phòng hộ, phòng ngừa nước biển dâng, sạt lở đất, ngăn chặn xâm nhập mặn. Đặc biệt rừng ngập có vai trò hết sức quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ lợi ích và sự sống của con người một cách bền vững.
Hiện nay, việc lưu giữ nguồn tài nguyên sinh vật, tài nguyên địa chất phong phú có giá trị bảo tồn cao đã và đang được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH