TRƯƠNG TÍ NHI BÓNG CẢ LÊ MINH NGỌC TÌNH MẪU TỬ HUỲNH KIM HẢI DƯỚI TÁN RỪNG TRÀM ĐÀO QUANG MINH RUỘNG BẬC THANG
ĐẶNG BÁ TIẾN ĐUA VOI Ở BẢN ĐÔN

International natural heritage

Tổng quan chung

Các di sản thiên nhiên (DSTN) được quốc tế công nhận bao gồm: Di sản thiên nhiên thế giới; Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; Công viên địa chất toàn cầu, Khu Ramsar; Vườn Di sản ASEAN.

Thống kê đến tháng 3/2021, Việt Nam đã được thế giới công nhận:

– 02 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long (1994) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003)) và 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (di sản hỗn hợp-Quần thể danh thắng Tràng An (2014)). Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận.

– Việt Nam cũng được UNESCO công nhận 03 danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu (Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (2010), CVĐC Toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng (2018) và CVĐC toàn cầu Đăk Nông (2020)),

– 09 khu Dự trữ sinh quyển với tổng diện tích 4.253.108 ha (6 khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo gồm: rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Cát Bà (2004), vùng ngập nước Sông Hồng (2004), vùng ven biển và hải đảo Kiên Giang  (2006), Cù Lao Chàm, Hội An (2009), Mũi Cà Mau (2009). 03 khu còn lại là khu dự trữ sinh quyển trên hệ sinh thái trên cạn là Đồng Nai (công nhận năm 2001, mở rộng năm 2011), miền tây Nghệ An (2007), và Langbiang (2015)).

– 09 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha (Bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể – Bắc Kạn (2011); Tràm Chim – Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo (2014); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen – Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long – Ninh Bình (2017)).

– 10 Vườn di sản ASEAN (Bao gồm: Vườn quốc gia Hoàng Liên (2003), Vườn quốc gia  Ba Bể (2003), Vườn quốc gia Chư Mom Rây (2003), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (2003), Vườn quốc gia  U Minh Thượng (2012), Vườn quốc gia Bái Tử Long (2017), Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (2019), Vườn quốc gia Vũ Quang (2019), Vườn quốc gia  Lò Gò – Xa Mát (2019), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (2019)).

Hệ thống các di sản thiên nhiên kể trên đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển KT-XH. Ví dụ, những con số thống kê sơ bộ thời gian qua tại các khu di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới đã phản ánh lượng khách du lịch tại các khu di sản tăng vọt ngay trong năm đầu tiên được công nhận, và hàng năm lượng khách du lịch đều tăng càng ngày càng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Lượng khách tham quan di sản tăng nhanh kéo theo sự phát triển nhanh chóng trực tiếp của ngành du lịch tại địa phương có di sản thiên nhiên và gián tiếp là ngành du lịch trong phạm vi đất nước. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan tới các khu di sản thiên nhiên tại Việt Nam tăng mạnh so với năm 2018. Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) tiếp tục dẫn đầu khi đón 6.327.488 lượt khách; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đón 4,4 triệu khách; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921 nghìn lượt khách. Đối với các khu vực là khu bảo tồn thiên nhiên với đặc trưng độc đáo về cảnh quan thiên nhiên và giá trị đa dạng sinh học, luôn được đánh giá cao và được xác định là các điểm du lịch sinh thái thu hút nhiều khách tham quan nên được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm dịch vụ giải trí, văn hóa, làm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực và đất nước.