Hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn – nguồn: https://luhanhvietnam.com.vn/
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với tổng diện tích tự nhiên là 16.950 ha, nằm trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mở Vàng và Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đây cũng được coi là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, ưa thích sự mạo hiểm và muốn tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở xã Nà Hẩu.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu của huyện Văn Yên được biết đến là nơi lưu giữ được một hệ sinh thái động, thực vật phong phú và đa dạng. Từ trung tâm thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên qua cầu Mậu A bắc qua sông Hồng theo tuyến đường từ xã An Thịnh đi xã Đại Sơn khoảng 30 km về hướng Tây Nam, vượt qua dốc Ba Khuy vắt ngang sườn núi, du khách sẽ đến xã Nà Hẩu, một xã có 100% đồng bào Mông sinh sống.
Tới Nà Hẩu, mọi ồn ào của phố xá như được trút bỏ sau lưng. Vẻ đẹp của những cánh rừng già thâm nghiêm, mang tới sự hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách. Những tán rừng nguyên sinh mang lại cho Khu Bảo tồn một bầu không khí thật trong lành, tinh khiết và đưa con người trở nên gần gũi với thiên nhiên hơn bao giờ hết. Nằm ở độ cao trung bình từ 600 – 700 m so với mực nước biển, nơi cao nhất 1.800m, nơi thấp nhất 200m nên địa hình của Nà Hẩu bị chia cắt mạnh, tạo thành rất nhiều khe suối và có nhiều hang động, thác nước đẹp như thác Bản Tát, thác Suối Tiên, hang Dơi…
Khu vực Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình ở đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các hợp thủy. Độ cao trung bình từ 600 – 700m so với mặt biển, nơi cao nhất 1.788m, nơi thấp nhất 200m. Nhiệt độ bình quân 23,2 độ C, lượng mưa bình quân 1.458,0 mm/năm, độ ẩm 85%. Hàng năm thường xuất hiện gió mùa Đông – Bắc vào tháng 11 và 12 kèm theo sương muối. Những ngày ít nắng, trời âm u, ở những nơi núi cao sương mù bao phủ cả ngày, độ ẩm không khí trong rừng rất lớn. Với điều kiện khí hậu như vậy rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển và khả năng tái sinh tự nhiên của cây rừng, thuận lợi cho các loài thực, động vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, tạo nên cấu trúc rừng rậm, nhiều tầng tán phù hợp với tính năng phòng hộ đầu nguồn.
Trong khu bảo tồn thiên nhiên này, hệ rừng lá rộng thường xanh còn tương đối nguyên vẹn, nhiều khe, suối, thác nước chảy quanh năm. Cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, tầng tán được phân chia rõ rệt: Tầng cao nhất là cây gỗ lớn nhô lên không liên tục chủ yếu là các loài như cây chò nâu, dổi, trám…; tầng giữa là tầng ưu thế sinh thái, tán cây rừng liên tục cao gần ngang nhau, thuộc các loài cây thường xanh như gội, de, dẻ…; tầng dưới phân thành nhiều lớp cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương sỉ, cau rừng…; Hiện rừng tự nhiên vẫn còn trên 30 loài thực vật khác nhau, trong đó có những loài cây gỗ quý hiếm như lát hoa, pơ mu… phát triển chủ yếu ở độ cao 700m trở lên.
Nà Hẩu có địa hình như một lòng chảo tạo nên từ thung lũng hẹp – nguồn: https://luhanhvietnam.com.vn/
Hệ động vật trong khu bảo tồn khá phong phú và nhiều loài quý hiếm vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hiện nay rừng có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Ngoài ra, khu vực rừng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi…
Bên cạnh đó, khi đến khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, du khách còn được đắm mình trong dòng thác Suối Tiên ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh của thôn 2 (Khe Tát). Trên hành trình đến thác, du khách phải vượt qua những tảng đá lớn và rừng cây cổ thụ. Thác Suối Tiên khá dài và có 3 tầng, mỗi tầng cũng có độ cao tương đối lớn. Nguồn nước trong xanh, mát lạnh từ trên đỉnh núi dội xuống, tung bọt trắng xóa quanh năm. Những ngày hè, thác Suối Tiên luôn thu hút rất đông khách du lịch đến đây để được đắm mình trong dòng nước mát lạnh, trong veo và cảm nhận những giai điệu du dương được cất lên từ tiếng thác đổ, gió núi và tiếng hót của muôn loài chim trong một không gian thật thanh bình. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc như phong tục, trang phục, nhà ở, ẩm thực. Đến nơi đây, du khách sẽ được hòa mình trong lễ hội Tết rừng, múa khèn, múa gậy tiền của đồng bào Mông, được thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm bản sắc dân tộc được chế biến bởi bàn tay khéo léo của những người Mông bình dị và mến khách.
Với những tiềm năng tự nhiên sẵn có, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có đầy đủ các yếu tố thuận lợi, phù hợp phát triển các loại hình du lịch hiện nay như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng… Trong tương lại Nà Hẩu sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH