Với những giá trị đa dạng sinh học độc đáo, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTgngày 01/6/2001 trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn tỉnh Quảng Ninh bao gồm 15.783 ha, trong đó, diện tích phần đảo nổi là 6.125ha còn lại 9.658ha là diện tích mặt biển; là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái đa dạng và phong phú: Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đất; Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đá vôi; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái thảm cỏ biển; Hệ sinh thái rạn san hô; Hệ sinh thái tùng, áng…
Hòn Thiên Nga trên vụng Trà Thần
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các nghiên cứu trước đây về đa dạng sinh học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện nghiên cứu Hải sản cũng như từ kết quả điều tra, giám sát đa dạng sinh học hằng năm của Vườn quốc gia Bái Tử Long, tính đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận sự xuất hiện của 2.212 loài sinh vật, trong đó có 992 loài sinh vật trên cạn, có 1.220 loài sinh vật biển trong Vườn quốc gia Bái Tử Long. Trong tổng số 2.212 loài sinh vật, có 108 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam cũng như Sách đỏ IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới); trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc biệt được quan tâm bảo tồn như: Trai lý, Táu mặt quỷ, Dè vàng, Kim giao núi đá, Báo gấm, Cầy hương, Đồi mồi, Vích, Cá heo, San hô, Cỏ biển…
Một số loài sinh vật biển
…và sinh vật rừng
Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập với nhiệm vụ chính là: Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và phát triển các hệ sinh thái rừng – biển, bảo tồn tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Bái Tử Long, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử trong quần thể danh thắng vịnh Bái Tử Long. Trong những năm qua, công tác bảo tồn là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc duy trì các giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái tại nơi đây.
Đối với công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên: Nội dung này được đặc biệt quan tâm nhằm giữ gìn, duy trì giá trị tài nguyên thiên nhiên trong khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long. Hàng năm, Vườn quốc gia Bái Tử Longđã tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm soát tài nguyên nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến nguồn tài nguyên Vườn quốc gia. Nhờ đó, trong nhiều năm qua các vụ xâm hại đến nguồn tài nguyên Vườn quốc gia Bái Tử Long theo xu thế giảm dần theo từng năm. Chính sự quyết tâm, quyết liệt, đồng sức, đồng lòng không ngại gian nan, thử thách của lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ, duy trì nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại đây.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học: Hằng năm, căn cứ theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh Quảng Ninh trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long với 2 phòng tham mưu: Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế và Phòng Bảo tồn biển, đất ngập nước đã luôn bám sát những mục tiêu, nội dung và chủ đề công tác hằng năm liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học để đề xuất với các sở, ngành các đề tài, nhiệm vụ, dự án liên quan đến lĩnh vực tài nguyên đa dạng sinh học làm cơ sở để từng bước nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học đồng thời ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào trong công tác bảo tồn. Tiêu biểu như, trong giai đoạn 2011 cho đến nay đã và đang thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học như: Đề tài làm giàu rừng bằng cây Lim Xanh (Erythrophleum fordii), Kim giao (Nageia fleuryi), Bách bệnh(Eurycoma longifolia), Đề tài ương, nuôi thử nghiệm loài Hải sâm trắng (Holothuria scabra) và đặc biệt là hiện nay Vườn quốc gia Bái Tử Long đang thực hiện Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái Tùng, Áng trong lòng núi đá vôi, núi đất xen kẽ núi đá vôi tại Vườn quốc gia Bái Tử Long”. Bên cạnh đó còn phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản thực hiệnNhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Nghiên cứu quy trình sinh sản nhân tạo loài Sá sùng (Sipuncunus Nudus) tại Quảng Ninh, phối hợp với các Viện nghiên cứu chuyên ngành, trường Đại học Nha Trang thực hiện một số nhiệm vụ, dự án khác liên quan đến bảo tồn nguồn gen một số loại tại Vườn quốc gia Bái Tử Long…Các dự án đã được tỉnh quan tâm đầu tư: Dự án đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, dự án Điều tra, đánh giá thực trạng các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Bên cạnh đó còn có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã và đang triển khai nhằm từng bước duy trì và phục hồi đa dạng sinh học.
Một số hoạt động khoa học:
Trong công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo tồn. Vườn quốc gia Bái Tử Long là một trong số ít các vườn quốc gia ở Việt Nam vừa có diện tích đất rừng, vừa có diện tích biển. Do đó, trong nhiều năm qua, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước đến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Nổi bật nhất trong đó là IUCN (International Union Conservation of Nature – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới) đã hợp tác với Vườn quốc gia Bái Tử Long từ năm 2006 cho đến nay trong việc bảo vệ quần thể Rùa biển (Vích và Đồi mồi) và môi trường sống của chúng tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Với sự hỗ trợ từ IUCN, trong Kế hoạch bảo tồn Rùa biển hàng năm đã luôn luôn duy trì được một lực lượng tình nguyện viên (bao gồm cả cán bộ, nhân dân địa phương, ngư dân) nhằm nắm bắt những thông tin về sự xuất hiện của Rùa biển, thông tin về việc đánh bắt không chủ ý liên quan đến Rùa biển để từ đó Vườn quốc gia Bái Tử Long có hình thức cứu hộ thả về môi trường tự nhiên được kịp thời. Ngoài ra, nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn Rùa biển đã được triển khai: Tập huấn cho tình nguyện viên trong công tác cứu hộ Rùa biển; Tổ chức các cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật từ rác thải biển; Tuyên truyền, in ấn, phát tờ rơi về vai trò của Rùa biển và môi trường sống của chúng…
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên), UNDP (Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam), VCF (Quỹ Bảo tồn rừng đặc dụng), LMPA (Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển tại Việt Nam). Đặc biệt, trong năm 2016, sau gần 02 năm đệ trình Hồ sơ Vườn quốc gia Bái Tử Long tới Hiệp hội các nước Đông Nam Á, vào ngày 30/9/2016 đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Ninh; đó là Vườn quốc gia Bái Tử Long đã chính thức được công nhận là Vườn di sản ASEAN thứ 38 của khu vực Đông Nam Á bởi đã đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí chính theo quy định của tổ chức: Tính toàn vẹn hệ sinh thái; Tính đại diện; Tính tự nhiên; Tính quan trọng trong bảo tồn; Khu vực đề cử mang tính pháp lý; Kế hoạch quản lý. Đây là phần thưởng xứng đáng, danh hiệu, niềm tự hào đối với tập thể cán bộ, viên chức, người lao động tại Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, đồng thời cũng là lời khẳng định cho một Quảng Ninh với kỳ quan thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long còn một Vườn di sản của khu vực Đông Nam Á để hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh mục tiêu bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội như hiện nay đặt ra nhiều khó khăn thách thức trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ nhất, bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học trước những nhu cầu phát triển kinh tế xã hội sẽ là những thách thức lớn nhất đối với Vườn quốc gia Bái Tử Long trong thời gian tới đặc biệt khi Vân Đồn chính thức trở thành một trong ba Khu hành chính kinh tế đặc biệt của Việt Nam thì việc phát triển với tốc độ cao các dự án: Hạ tầng, dân số, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy hải sản, giao thông thủy… làm cho nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, gây áp lực thu hẹp không gian bảo tồn, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên đa dạng sinh học.
Thứ hai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây tác động xấu đến công tác bảo tồn trong khu vực. Hàng năm, khu vực vùng biển Vườn quốc gia Bái Tử Long phải hứng chịu nhiều cơn bão đổ bộ trực tiếp, làm gãy đổ cây tại nhiều hecta rừng đặc dụng, gây chết nhiều khu rừng ngập mặn do các hiện tượng mưa đá gây dập, nát lá cây hoặc do quá trình thoát hơi nước trên cây ngập mặn không được diễn ra. Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tự nhiên.
Thứ ba, vẫn còn một bộ phận người dân nghèo sinh sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của Vườn quốc gia Bái Tử Long bằng các nghề: bắt ốc, câu, kéo lưới…thậm chí diễn ra ngay cả trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên đa dạng sinh học, nhưng trong tương lai đây vẫn là một bộ phận có nguy cơ tiềm tàng gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ tài nguyên. Vì thế trong tương lai cần có giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho họ.
Với những giá trị tài nguyên đa dạng sinh học độc đáo, bên cạnh đó là những thách thực hiện hữu và tiềm tàng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, đồng thời đứng trước xu thế phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, của địa phương, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã xác định Du lịch sinh thái là một trong số ít phương thức khai thác tài nguyên bền vững trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia mang lại lợi ích kinh tế và du lịch sinh thái hay du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên là một giải pháp tiềm năng giải quyết mâu thuẫn của quá trình “bảo tồn hay phát triển”. Trên lý thuyết cũng như trên thực tế, du lịch sinh thái cung cấp những biện pháp hình thành những lợi ích kinh tế để bù đắp chi phí của hoạt động bảo tồn. Thêm nữa, các hình thức du lịch sinh thái còn mang lại những phương thức liên kết giữa các khu bảo tồn, vườn quốc gia với cộng đồng cư dân địa phương thông qua việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương và giáo dục nhận thức về môi trường sinh thái và vai trò của nó, qua đó cộng đồng dân cư sẽ chính là những chủ thể tích cực nhất tham gia vào quá trình bảo vệ các hệ sinh thái và giá trị đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đó chính là mục tiêu cao cả mà du lịch sinh thái mang đến.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, hoạt động du lịch sinh thái tại một sốVườn quốc gia, khu bảo tồn đang trong tình trạng quá tải so với sức chứa môi trường gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Có thể kể đến như Vườn quốc gia Cúc Phương là một ví dụ điển hình. Nhận thức được vấn đề này, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái nhằm giải quyết những mẫu thuẫn nêu trên, hướng tới mục tiêu “Bảo tồn để phát triển – Phát triển để bảo tồn”. Một trong những giải pháp mà Đề án đặt ra đó là việc lựa chọn loại hình phát triển du sinh thái lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, sức chứa sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long để làm sao lựa chọn được những đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao, am hiểu về môi trường tự nhiên và thực sự là một dukhách sinh thái. Chính vì lẽ đó, các loại hình sẽ chỉ được lựa chọn ưu tiên phát triển tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đó là: Du lịch nghỉ đêm trên vịnh;Du lịch thám hiểm, mạo hiểm; Du lịch sinh thái biển trên các trạm nổi; Tham quan rừng, hang động; Du lịch cộng đồng. Trong tương lai, các loại hình du lịch này sẽ góp phần tạo ra một công cụ nhằm phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Với những lựa chọn, hướng đi đúng đắn, khoa học và đảm bảo tính bền vững, trong tương lai không xa, cùng với xu thế phát triển của huyện Vân Đồn – một trong ba khu hành chính – kinh tế đặc biệt của cả nước được đề xuất thành lập, Vườn quốc gia Bái Tử Long – lá phổi xanh của quốc gia tiếp tục sẽ là nơi được ưu tiên đầu tư nhằm duy trì, phát triển các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học theo xu thế phát triển bền vững góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh.
Nguồn: Phạm Quốc Việt – http://vuonquocgiabaitulong.vn/