Voi ở Tây Nguyên. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)
Chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 – “Chúng ta là một phần của giải pháp” – như một lời nhắc nhở đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2021 đã được Ban Thư ký Công ước đa dạng sinh học lựa chọn “Chúng ta là một phần của giải pháp.”
Chủ đề được chọn để tiếp nối chủ đề xuyên suốt của năm 2020 “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” như một lời nhắc nhở rằng đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững.
Từ các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho các vấn đề khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nước uống và sinh kế bền vững, đa dạng sinh học là nền tảng mà chúng ta có thể xây dựng trở lại tốt hơn.
Do đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 sẽ được kỷ niệm thông qua một chiến dịch trực tuyến.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Frontiers in Forest and Global Change (không bao gồm Nam Cực), các nhà khoa học nhận định chỉ 3% diện tích đất trên thế giới vẫn còn nguyên vẹn về mặt sinh thái, với các quần thể động vật nguyên thủy khỏe mạnh và môi trường sống chưa bị xáo trộn. Con số này cũng chỉ mang tính chất “ước tính tương đối.”
Nghiên cứu sử dụng bản đồ phạm vi sống của 7.000 loài từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế. Hầu hết dữ liệu là của động vật có vú nhưng cũng bao gồm một số loài chim, cá, thực vật, bò sát và lưỡng cư.
Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, nhiều quần thể động vật hoang dã, từ sư tử đến côn trùng, đang lao dốc về số lượng cá thể, chủ yếu do mất môi trường sống. Một số nhà khoa học cho rằng đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trên Trái đất đang bắt đầu và sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với thực phẩm, nước sạch và không khí.
[Xung đột đe dọa hơn 200 loài động, thực vật nguy cấp trên thế giới]
Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng sinh học và quan trọng nhất trên thế giới, cả về hệ sinh thái biển và trên cạn (đặc biệt là hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn).
Theo Văn phòng UNESCO Việt Nam, 238 khu sinh thái ưu tiên đã được công nhận trên toàn thế giới, trong đó có 6 khu được đặt tại Việt Nam.
Một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận về giá trị tự nhiên phổ quát duy nhất của chúng, bao gồm 3 di sản thiên nhiên, hai công viên địa chất toàn cầu, 9 khu bảo tồn sinh quyển và hai khu đất ngập nước nằm trong hai khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tuy nhiên, các nỗ lực bảo tồn của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức khác nhau như: xu hướng suy thoái đa dạng sinh học đã trở nên quan trọng hơn do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác quá mức, tăng trưởng kinh tế và áp lực dân số, gây ra những tác động to lớn đến các dịch vụ chính mà các hệ sinh thái này cung cấp.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), các giải pháp dựa trên thiên nhiên là một thuật ngữ có thể được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên.
Rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Các giải pháp có thể bao gồm khôi phục, bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng, thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hội đồng xét chọn bao gồm các nhà quản lý thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn loài như Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng đa dạng sinh học của ASEAN.
Các hồ sơ tham gia Chương trình vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã đều được đánh giá trên cơ sở tiêu chí xét chọn đã ban hành. Mỗi hồ sơ đều được lấy ý kiến tất cả chuyên gia trong hội đồng, đảm bảo sự minh bạch, công bằng.
Theo Hội đồng xét chọn, việc phát hiện loài mới, sáng kiến, giải pháp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học có tính chất quan trọng. Các hồ sơ tham gia Chương trình này cho thấy có hàng ngàn loài động, thực vật hoang dã đã được gọi tên, trong đó có nhiều loài đặc hữu tại Việt Nam.
Nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả xã hội trong công tác bảo tồn loài. Những sáng kiến về sinh sản, nhân nuôi bảo tồn thành công loài quý hiếm, các giải pháp về chăm sóc, tuyên truyền và đặc biệt là các sáng kiến từ các nhóm tình nguyện bảo vệ sự sống cho loài và truyền cảm hứng cho những ai đã, đang và mong muốn cống hiến cho lĩnh vực này.
Các nhà khoa học cho rằng việc lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường có sáng kiến tổ chức chương trình nhằm động viên, khuyến khích phát triển phong trào nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học là hoạt động ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, tốc độ suy thoái đa dạng sinh học của nước ta và thế giới có xu hướng tăng.
Dự kiến, Lễ vinh danh các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình sẽ được tổ chức vào ngày 21/5/2021./.
Nguồn: Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)-https://www.vietnamplus.vn/