Đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Việt Nam là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng, thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của đất nước. Các hệ sinh thái (HST) là nơi cư trú, môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã và cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng đối với xã hội loài người và sự phát triển của tự nhiên.

Nhằm duy trì và phát triển bền vững các giá trị của ĐDSH, Chính phủ Việt Nam đã xác định và khoanh vi bảo tồn những khu vực có giá trị ĐDSH cao, có các HST có giá trị quan trọng, nhiều loài quý, hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng thành các khu bảo tồn (KBT). 

Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh) – Ảnh do VQG cung cấp

Theo Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Khu bảo tồn bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài – sinh cảnh và Khu bảo vệ cảnh quan. Căn cứ vào mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phân thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp

Các KBT được phân bố trên nhiều vùng địa lý, trên các vùng đại diện cho các kiểu khí hậu, đất đai khác nhau như: nhiệt đới, á nhiệt đới, vùng núi cao, vùng mưa ẩm, vùng khô hạn, vùng đồng bằng trung du và miền núi, ven biển và vùng biển, đã góp phần bảo vệ rất nhiều hệ sinh thái điển hình và các loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý và hiếm của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa – giáo dục.

 Nhận thức được vai trò, giá trị của đa dạng sinh học (ĐDSH) cũng như ý nghĩa của khu bảo tồn thiên nhiên (KBT), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật và nhiều hành động ưu tiên về quy hoạch, thành lập và quản lý KBT. Với sự nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong quản lý KBT thông qua quy hoạch và thiết lập được hệ thống KBT Việt Nam với 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha.

Bảng 1. Danh sách Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam

Loại KBT Số lượng Tổng diện tích (ha)
Vườn quốc gia 34 1.209.147,00
Khu dự trữ thiên nhiên 67 1.064.482,00
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh 17 138.020,78 
Khu bảo vệ cảnh quan 58 100.881,00
Tổng số 176 2.512.530,78


Việc thiết lập được các KBT đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý ĐDSH của Việt Nam, thúc đẩy công tác bảo tồn ĐDSH của nước nhà và thể hiện cam kết của quốc gia thành viên Công ước Đa dạng sinh học về chung tay với thế giới trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH của hành tinh.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH