1. Giới thiệu khu dự trữ sinh quyển
Khái niệm khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được đưa ra vào những năm 1970 bởi tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) và phát triển mạnh từ năm 1995 khi người ta nhận thấy phương pháp bảo tồn truyền thống thông qua bảo tồn nghiêm ngặt trong các khu BTTN khó đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt tại những nơi đông dân cư với nguồn tài nguyên hạn hẹp, nơi thường xảy ra xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Năm 1976, mạng lưới các KDTSQ thế giới được hình thành và đến năm 2019 đã có 686 KDTSQ trên toàn thế giới thuộc 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khu DTSQ thế giới được công nhận trong khuôn khổ “Chương trình Con người và Sinh quyển” (MAB) của UNESCO và được định nghĩa là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự ĐDSH với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận. Về mặt phương pháp luận, khu DTSQ xem “Con người là một phần của sinh quyển”, là “Công dân sinh thái”. Việc thành lập các Khu DTSQ thế giới là nhằm tạo ra các mô hình trình diễn thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, cân bằng nhu cầu của con người ngày nay với thế hệ tương lai và tự nhiên (German Commission for UNESCO, 2015).
Vườn quốc gia Xuân Thủy (thuộc khu dự trữ sinh quyển Sông Hồng) – Ảnh do VQG cung cấp
Khu DTSQ là một mô hình độc đáo với phương châm hài hoà giữa bảo tồn và phát triển thông qua đảm bảo thực hiện 3 chức năng gắn với 3 phân vùng (Vùng lõi, Vùng đệm, Vùng chuyển tiếp): gồm i) bảo tồn ĐDSH, ii) phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, và iii) hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và đào tạo với sự tham gia của các bên: các ban ngành, kinh tế tư nhân, nghiên cứu, xã hội dân sự, người dân địa phương. Nói cách khác, có thể đạt được mục tiêu hài hoà giữa phát triển và bảo tồn bằng cách dựa trên hai ý tưởng ở trung tâm của khái niệm DTSQ: tham gia với cộng đồng địa phương (tham gia, đồng quản lý) và sử dụng phương pháp dựa trên tri thức (kiến thức truyền thống, nghiên cứu khoa học, giám sát và giáo dục). Việc UNESCO công nhận một khu vực là khu DTSQ có thể nâng cao nhận thức của người dân địa phương, công chúng và chính quyền các cấp về các vấn đề môi trường và phát triển. Mô hình khu DTSQ khác các mô hình bảo tồn thông thường, ở chỗ, nó không phải là một loại quy định, không tạo ra một hình thức quản lý cứng nhắc, nó không phải là di sản thế giới hay một khu bảo tồn “đóng kín”, và nó không hạn chế quyền của người dân địa phương cũng như người dân nhập cư (UNESCO/MAB, 2016).
Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ Thế Giới giai đoạn 2016-2025: MAB/UNESCO đã xây dựng Chiến lược Seville và Khung luật định của Hệ thống dự trữ sinh quyển thế giới (WNBR) cũng như triển khai Kế hoạch hành động (KHHĐ) Madrid về DTSQ (2008-2013). Kế thừa và dựa trên kết quả đánh giá thực hiện Kế hoạch hành động Madrid, năm 2016 tại Peru, UNESCO đã thông qua Chiến lược MAB giai đoạn 2015-2025 và công bố Kế hoạch Hành động LIMA 2016-2025, đây được coi là phương hướng chung, định hướng hoạt động cho toàn bộ mạng lưới các khu DTSQ trên thế giới. Mục tiêu chính của Kế hoạch này là đảm bảo duy trì, phát triển Mạng lưới các KDTSQ thành những mô hình hoạt động hiệu quả về PTBV ở cấp địa phương; chú trọng xây dựng các cộng đồng dân cư thịnh vượng, hài hòa với sinh quyển nhằm góp phần đạt được các Mục tiêu PTBV (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc.
Hình 1: Các vùng và chức năng của khu DTSQ
2. Mô hình quản lý một số khu DTSQ trên thế giới
UNESCO đã đề xuất cơ chế cho công tác quản lý và bảo tồn bao gồm: (i) các cơ chế quản lý các hoạt động và khai thác của con người tại vùng đệm; (ii) có một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho toàn KDTSQ; (iii) xây dựng một quy chế hoặc đội ngũ cán bộ quản lý để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch đó; (iv) có các chương trình nghiên cứu, quan trắc, giáo dục và đào tạo (UNESCO, 1995). Các quốc gia không cần thiết phải ban hành luật đặc biệt cho khu DTSQ mà nên tận dụng hoặc tích hợp vào khung pháp lý sẵn có về bảo tồn, quản lý TNTN (đất, nước,…) và môi trường, đồng thời, có thể xây dựng hệ thống điều hành riêng với sự tham gia của các bên liên quan. Và để giám sát, đo lường kết quả của quá trình đó, các KDTSQ phải thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý định kỳ 10 năm/ lần.
Khi thực hiện việc đánh giá 10 năm, một số KDTSQ như Mananara-Nord, Sumava (CH Séc), Aggtelek (Hungary) hay Babia Gora (Ba Lan) đã chỉ ra những bất cập chung làm hạn chế hiệu quả quản lý của KDTSQ là vị trí không rõ ràng của mô hình này trong hệ thống pháp lý quốc gia, vùng và thiếu nguồn tài chính bền vững cho cơ quan quản lý, điều phối. Ở khía cạnh khác, KDTSQ Noosa (Ôxtrâylia) xây dựng mô hình quản lý theo nhóm mục tiêu và hoạt động, như môi trường, xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục, kinh tế (MAB, Australia, 2009) trong khi đó KDTSQ Kogelberd tại Nam Phi (2012) lại lồng ghép hệ kinh tế-xã hội và hệ sinh thái thành một hệ mới: Hệ sinh thái – xã hội (social – ecological system) và quy hoạch không gian bảo tồn và phát triển nhằm quản lý KSQ hiệu quả. Các cách vận hành này đã thu được những thành công nhất định khi kết nối được các phân vùng và các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển chung. Như vậy, các KDTSQ có thể phát triển hệ thống quản lý riêng, phù hợp bối cảnh, thể chế quốc gia và nhằm đảm bảo được các chức năng và mục tiêu của nó.
Các vấn đề môi trường và phát triển trong bối cảnh điều phối KDTSQ phải chịu các cấp quản trị khác nhau (Von Moltke, 2006). Young (2002) sử dụng thuật ngữ ‘Tương tác ngang” (‘horizontal interplay’) khi đề cập đến các khía cạnh không gian của quản trị ĐDSH. Tương tác dọc là sự tương tác giữa các tổ chức trên các quy mô từ cấp quốc tế đến cấp địa phương và Tương tác ngang là liên kết giữa các tổ chức giữa các ngành ở một trong các cấp này. Cũng giống như bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng, công tác điều phối, hợp tác trong Khu DTSQ không chỉ phụ thuộc vào các tác nhân địa phương – với các quy tắc và quy định hiện hành của họ – mà còn dựa trên các khuôn khổ chiến lược, thể chế, lập pháp: Đây là quản trị bắt đầu từ cấp cơ sở và liên quan đến các mối liên kết qua các cấp tổ chức khác nhau (Berkes, 2007).
Đối với KDTSQ Sumava (Cộng hòa Séc), ở cấp quốc gia, khung pháp lý và hành chính được áp dụng nhất quán cho quản lý hệ sinh thái, tuy nhiên KDTDQ không được đề cập trong Luật bảo tồn thiên nhiên quốc gia và các loại hình khu bảo tồn (Schliep et al., 2010). Không có cơ quan điều phối trung ương cho các KDTSQ mà sự hợp tác trong các nỗ lực liên quan đến KDTSQ được thể hiện trong các cuộc họp thường niên giữa ủy ban MAB và đại diện từ các cơ quan có trách nhiệm quản lý KDTSQ ở cấp địa phương. Ở cấp địa phương, áp lực lớn nhất là sự phát triển nóng về du lịch, tác động trực tiếp và làm suy giảm cả nông, lâm nghiệp, thu nhập tăng nhưng suy thoái môi trường lớn. Vấn đề là các bên gặp khó khăn khi hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề chung xảy ra trong KDTSQ và sự tương tác thiếu chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, BQL VQG và các cộng đồng dân cư. Một số nguyên nhân được đưa ra là do chưa có một cơ quan quản lý riêng để điều phối chung cho KDTSQ, thiếu một chiến lược truyền thông cho các bên liên quan và thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ Ủy ban MAB quốc gia. Tương tự là trường hợp Khu DTSQ Aggtelek của Hungary với BQL được đại diện bởi Ban giám đốc VQG Aggtelek, một cơ quan pháp lý độc lập dưới sự giám sát của Bộ môi trường và Nước. Ngân sách của VQG do Bộ môi trường và nước cấp nhưng rất hạn chế, UBQG MAB theo đó đã trở nên ít hoạt động hơn, việc thực thi ở cấp địa phương cũng bị hạn chế bởi thiếu hụt cả ngân sách và nhân viên có năng lực, thiếu sự tham gia của các bên liên quan trong việc ra quyết định. Tóm lại, khó khăn lớn nhất của KDTSQ Aggtelek cũng như Sumava (Cộng hòa Séc) là không có cơ quan điều phối riêng cho KDTSQ và do đó rất rất khó để kết nối các bên.
KDTSQ Babia Gora của Ba Lan (và 1 phần của cộng hòa Slovakia) lại có hướng quản trị riêng, tận dụng tối đa các chính sách hiện có như chính sách về bảo tồn thiên nhiên của Ba Lan, ĐDSH được tích hợp vào các hoạt động liên lĩnh vực (OECD, 2003). Trong khuôn khổ luật pháp hiện có, các quy định pháp lý liên quan đến các khu vực được bảo vệ đã được vận dụng để quản lý của KDTSQ. Từng phần diện tích của KDTSQ được bảo vệ như một VQG, công viên cảnh quan hoặc khu BTTN. Tất cả các diện tích người dân sử dụng nằm trong phạm vi VQG hoặc khu BTTN phải tuân theo quy định quản lý của VQG, KBT. Mặc dù vậy, vài năm gần đây khi du lịch phát triển mạnh thì mâu thuẫn giữa các bên nảy sinh, đặc biệt là với người dân, chưa có những cam kết hoặc văn bản cho thấy sự hợp tác hoặc chia sẻ lợi ích. Những áp lực từ “đô thị hóa nông thôn” và chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp càng gây thách thức cho công tác bảo tồn. Một trong những nguyên nhân chính được đưa ra do thiếu sự tham gia của cơ quan chức năng vùng và địa phương trong hoạt động quản lý, điều phối Khu DTSQ.
Chương trình MAB của Pháp từ đầu những năm 2000 đã xây dựng được một tài liệu hướng dẫn nhằm xây dựng kế hoạch quản lý cho KDTSQ trong đó tập trung vào các phương pháp và công cụ trong quy hoạch sử dụng đất, đồng thời đưa ra các bước quản lý vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, và đề xuất hoạt động chung cho tất cả các vùng như giáo dục, nghiên cứu (Bioret và nnk., 1998). Tuy nhiên trong kế hoạch quản lý không cho biết khung pháp lý cụ thể cho quản lý KDTSQ mà khuyến nghị cần dựa theo bối cảnh quốc gia. KDTSQ Noosa (Ôxtrâylia) xây dựng mô hình quản lý theo nhóm mục tiêu và hoạt động, như môi trường, xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục, kinh tế (MAB (Australia), 2009) trong khi đó KDTSQ Kogelberd tại Nam Phi (Kogelberd Biosphere Reserve Company, 2012) lại lồng ghép hệ kinh tế-xã hội và hệ sinh thái vào một hệ thống mới là Hệ Sinh thái – Xã hội thông qua xây dựng quy hoạch không gian bảo tồn và tăng trưởng nhằm quản lý KDTSQ một cách hiệu quả. Dù nghiên cứu không nêu rõ khung quản lý của các KDTSQ này nhưng lại cho biết ưu điểm nổi bật là áp dụng tư duy hệ thống cho toàn hệ, kết nối 3 vùng theo chuỗi sản phẩm kinh tế chất lượng và vì thể có sự gắn kết giữa cộng đồng, chính quyền và đơn vị quản lý KDTSQ.
Khu DTSQ đảo Jeju (Hàn Quốc) và Shang Kou (Trung Quốc) cũng là những điển hình cho mô hình quản lý hiệu quả với những kinh nghiệm hay trong xây dựng mô hình quản trị hợp tác (collaborative governance) và tạo nên mối quan hệ đối tác chặt chẽ, bền vững. Khu DTSQ đảo Jeju có một BQL riêng đứng đầu là người lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh và trực thuộc là các thành viên kiêm nhiệm. Các nội dung quản lý được lồng ghép trong các hoạt động phát triển kinh tế và bảo tồn TN của địa phương. Mọi tranh chấp đất đai, giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng (như “Quýt Sinh quyển”), di sản “làng Hàn cổ”,..) đều được giải quyết hài hoà trên cơ sở hợp tác giữa các bên liên quan và minh bạch về chia sẻ lợi ích. Du lịch sinh thái – văn hoá đã phát triển rất nhanh và mang lại nguồn lợi cho cộng đồng cũng như các bên, nguồn tài chính hỗ trợ cho bảo tồn được cải thiện. Tương tự vậy, Khu DTSQ Shang Kou (Trung Quốc) cũng đồng thời là Vườn Quốc gia và khu Ramsar đã tận dụng tối đa các danh hiệu để thu hút các nguồn đầu tư, trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Rõ ràng, mô hình quản trị hợp tác, cơ chế minh bạch lợi ích và vai trò của nhà lãnh đạo có đủ quyền lực cần thiết sẽ làm tăng cường sự tham gia và phát huy mạnh mẽ vai trò của KDTSQ.
3. Các khu DTSQ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Ủy ban quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB Việt Nam) là cơ quan đầu mối quốc gia của UNESCO tại Việt Nam được thành lập vào năm 1985, với mục đích xây dựng và đề xuất các khu DTSQ để quốc tế công nhận, hỗ trợ quản lý và duy trì việc kết nối quốc gia với quốc tế trong lĩnh vực này.
Cho đến hiện nay, Việt Nam có 9 Khu DTSQ được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB-UNESCO) công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo, bao gồm: KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), KDTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), KDTSQ châu thổ sông Hồng (2004), KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), KDTSQ miền tây Nghệ An (2007), KDTSQ Mũi Cà Mau (2009), KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009), KDTSQ Đồng Nai (2011), KDTSQ Lang Biang (2015). Nếu so trong 9 nước có KDTSQ ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về số lượng (11 Khu).
Tổng diện tích của 09 KDTSQ của Việt Nam là hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích diện tự nhiên cả nước, đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người (Võ Thanh Sơn, et al., (2018). Riêng diện tích vùng lõi (chủ yếu là các VQG, KBT và rừng đặc dụng) chiếm 11% tổng diện tích của các KDTSQ (khoảng 450.000ha), nơi đây tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các dịch vụ hệ sinh thái. KDTSQ nhỏ nhất là Quần đảo Cát Bà với 26.241 ha và lớn nhất là Tây Nghệ An với hơn 1.3 tr. ha. Về địa giới hành chính, các KDTSQ tại Việt Nam có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 đặc điểm là trực thuộc 1 tỉnh/thành phố và nằm gọn trong một địa phương (huyện/TP thuộc tỉnh) và có 1-2 vùng lõi ( gồm Cần Giờ, Quần đảo Cát Bà và Cù Lao Chàm-Hội An); 2) Nhóm 2 có đặc điểm là trực thuộc 1 tỉnh/thành phố và nằm trong nhiều huyện của tỉnh, có từ 1-3 vùng lõi (LangBiang, Mũi Cà Mau, Kiên Giang và Tây Nghệ An); Nhóm 3 là các khu trực thuộc nhiều tỉnh, nằm trong nhiều huyện của các tỉnh và có 2 vùng lõi (Châu thổ Sông Hồng và Đồng Nai).
Các KDTSQ tại Việt Nam chứa đựng những giá trị ĐDSH hết sức đặc sắc và đóng góp cho sự phát triển địa phương, bao gồm: HST biển đảo (Cát Bà), HST rừng ngập mặn ven biển và biển (CT Sông Hồng, Cù Lao Chàm – Hội An, Cần Giờ, Kiên Giang, Mũi Cà Mau), HST rừng nhiệt đới gió mùa (Tây Nghệ An), HST rừng nhiệt đới (Lang Biang), HST rừng trên đất liền và đất ngập nước nội địa (Đồng Nai).
KDTSQ ở VN chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan khác nhau. Trong khi vùng lõi (VQG, KBT) quản lý trực tiếp theo ngành dọc của các bộ chuyên ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT..), thì vùng đệm và vùng chuyển tiếp lại chịu sự quản lý của các địa phương. Do đó, để tổ chức phối hợp hoạt động của các sở, ban, ngành liên quan, của các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng, các KDTSQ đã thành lập các BQL và các bộ phận hỗ trợ (gọi chung là BQL). Đối với các KDTSQ nằm trong ranh giới 1 tỉnh, quyết định thành lập BQL do UBND tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp KDTSQ nằm trong ranh giới của nhiều tỉnh như KDTSQ châu thổ sông Hồng thì quyết định thành lập BQL do UBQG UNESCO Việt Nam ban hành.
BQL thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh/thành phố quản lý KDTSQ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và theo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban UNESCO Việt Nam và Ủy ban MAB Việt Nam. Các KDTSQ thường có một cơ cấu sau: (1) Ban quản lý; (2) Văn phòng hoặc Bộ phận thư ký; (3) Hội đồng tư vấn. Cụ thể:
Ban quản lý: Về cơ cấu tổ chức, BQL do một lãnh đạo cấp tỉnh/thành phố làm trưởng ban, với các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện thuộc KDTSQ và các bên có liên quan khác. Tùy theo điều kiện đặc thù của từng KDTSQ, một số thành viên BQL là đại diện của các bên có liên quan khác tại địa phương cũng tham gia như: các nhà khoa học hoặc viện nghiên cứu (Cát Bà và Mũi Cà Mau), doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp Đồng Nai và Mũi Cà Mau), cơ quan đoàn thể (Đồng Nai). Riêng KDTSQ Miền Tây Nghệ An, không có đại diện các tổ chức khác nằm trong BQL. Ban quản lý KDTSQ Đồng Nai lại không có bất cứ đại diện của UBND và các sở, ban, ngành các tỉnh có liên quan tới KDTSQ. Một đặc điểm nữa là các thành viên đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Về chức năng, BQL KDTSQ thường không quản lý trực tiếp về mặt lãnh thổ nhưng căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của các công ước quốc tế để tổ chức điều phối các hoạt động. Hiện tại, việc quản lý các KDTSQ dựa trên sự hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB Việt Nam) và BQL của các KDTSQ.
Số cán bộ trực tiếp làm việc liên quan đến công tác quản lý của KDTSQ dao động từ 5 – 20 người dưới hình thức Tổ thư ký, gồm cán bộ và lãnh đạo đại diện của nhiều sở, ban, ngành và cấp chính quyền (xã, huyện, tỉnh) trong đó cán bộ chủ chốt thường lấy từ VQG/KBT – vùng lõi. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ là kiêm nhiệm, kết hợp, số lượng chuyên trách rất ít (2-3 người). Tính tập trung và hiệu quả làm việc của Tổ thư ký không cao, chủ yếu dựa vào sự linh hoạt, tích cực của một vài nhân sự nòng cốt. Nguồn ngân sách thường xuyên cho hoạt động của BQL hạn chế, thiếu kinh phí cho việc nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản lý và cập nhật thông tin, kiến thức mới, ngoại ngữ (Van Cuong, C., et al.,2020). Công tác quản lý hay hiệu quả quản lý của KDTSQ, về thực chất là công việc và mức độ huy động, tích hợp được nguồn lực nói chung và nhân lực nói riêng từ các đơn vị, cấp chính quyền khác nhau. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ của BQL cũng là vấn đề cần được cải thiện, phần lớn được đào tạo đơn ngành (từ kiểm lâm, thuỷ lợi, ..), thiếu kiến thức liên ngành và thiếu kinh nghiệm điều phối, hợp tác đa ngành, thiếu kĩ năng trong lập kế hoạch quản lý chiến lược cũng như theo dõi, giám sát và lồng ghép hệ thống. Đây là một khó khăn tồn tại từ lâu ở hầu hết các khu DTSQ.
Về cơ cấu tổ chức, các BQL KDTSQ hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý KDTSQ tùy thuộc tiếp cận của mình. Trong khi đó, việc thống nhất mô hình quản lý là một điều kiện quan trọng để thống nhất công tác quản lý Nhà nước. Hệ thống KDTSQ nước ta chưa có một Hướng dẫn cụ thể từ cấp trung ương giúp các Khu kiện toàn bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động, điều này dẫn tới nhiều KDTSQ gặp khó khăn trong kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý và điều phối hoạt động (H.T.N. Hà, 2018). KDTSQ châu thổ sông Hồng sau 15 năm thành lập mới xây dựng được cơ chế phối hợp quản lý và bảo tồn với sự đồng thuận của cả 3 tỉnh (Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định). Miền Tây Nghệ An sau 6 năm nhận danh hiệu KDTSQ mới thành lập được BQL và sau 7 năm mới ban hành được quy chế quản lý, năm 2018 xây dựng được Quy chế quản lý mới phù hợp hơn. Mũi Cà Mau cũng chỉ có quy chế quản lý sau 5 năm thành lập.
Bên cạnh đó, nhiều khu KDTSQ thuộc quản lý hành chính của nhiều huyện, thị hoặc tỉnh, có diện tích và dân số lớn nên công tác quản lý của KDTSQ gặp nhiều thách thức. Điển hình như KDTSQ Đồng Nai, nằm trong địa giới hành chính của 5 tỉnh và 20 huyện, TP, thị xã. Tuy nhiên Ban Quản lý chỉ bao gồm các thành phần Nhà nước, đại diện tổ chức xã hội và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai, nên những hoạt động của KDTSQ tại 4 tỉnh còn lại chưa mạnh, thậm chí ít có hoạt động được thực hiện dưới danh nghĩa của KDTSQ.
Các bên liên quan tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quản lý KDTSQ ở VN gồm 4 nhóm chính nhưng không đầy đủ: i) Khối cơ quan nhà nước, gồm: i) các bộ, ngành và cơ quan cấp trung ương: UNESCO Việt Nam, MAB Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao; ii) cấp địa phương: BQL Khu DTSQ, các sở, ngành liên quan (TN&MT, NN&PTNT, VH-TT-DL,..), BQL các khu bảo tồn/VQG, UBND các huyện, xã/phường/TT; ii) Cộng đồng địa phương: gồm đại diện các xã trong 3 phân vùng chức năng, các tổ chức quần chúng (như Hội Phụ nữ, Hội nông dân, các nhóm bảo vệ rừng –đại diện cộng đồng; iii) Các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và phát triển: UNESCO quốc tế, các tổ chức/ dự án trong và ngoài nước, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của các Viện, trường đại học và tổ chức phi chính phủ (NGOs); và iv) Doanh nghiệp địa phương (du lịch, nông nghiệp, xây dựng, …).
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH