Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar) được ký tại thành phố Ramsar, Iran vào năm 1971. Đây là một thỏa thuận liên Chính phủ nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước (ĐNN) và các nguồn tài nguyên từ ĐNN . Công ước này có hiệu lực năm 1975 và đến nay đã có 171 quốc gia trở thành thành viên của Công ước và công nhận 2418 khu Ramsar với diện tích 254.563.791 ha. Công ước Ramsar không thuộc hệ thống các Công ước và hiệp ước về môi trường của Liên hiệp quốc và UNESCO. Công ước này chỉ chịu trách nhiệm đối với Hội nghị các Bên tham gia (COP) và các công việc hành chính thế giới do IUCN cho sử dụng chung trụ sở của mình tại Gland, Thụy Sỹ. Sứ mệnh của Công ước Ramsar được các Bên tham gia thông qua năm 1999 và được điều chỉnh năm 2002 là: “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng ĐNN thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu PTBV trên toàn thế giới”.
Gà chim ở khu RamSa Xuân Thủy (Nam Định) – Ảnh do VQG cung cấp
Theo Công ước Ramsar, một vùng đất ngập nước được xem xét công nhận là vùng ĐNN có tầm quan trọng quốc tế nếu vùng ĐNN đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
– Tiêu chí 1: chứa đựng một mẫu về sự độc đáo, hiếm và đại diện cho một kiểu ĐNN tự nhiên hoặc gần với tự nhiên có trong vùng địa lý sinh vật đặc biệt.
– Tiêu chí 2: là nơi nuôi dưỡng các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa.
– Tiêu chí 3: là nơi nuôi dưỡng quần thể các loài động, thực vật có tầm quan trọng đối với việc duy trì tính ĐDSH của một khu vực địa lý đặc biệt.
– Tiêu chí 4: là nơi đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định trong vòng đời, hoặc cung cấp nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp những điều kiện nguy hiểm.
– Tiêu chí 5: là nơi thường xuyên hỗ trợ từ 20.000 cá thể chim nước trở lên.
– Tiêu chí 6: là nơi cư trú thường xuyên của hơn 1% số lượng quần thể của một loài hoặc phân loài chim nước.
– Tiêu chí 7: là nơi nuôi dưỡng một phần lớn các loài, phân loài hoặc các họ cá bản địa, các giai đoạn của lịch sử sự sống, các mối tương tác giữa các loài và/hoặc các quần thể có tính đại diện cho các lợi ích và/hoặc giá trị của ĐNN và do đó đóng góp vào tính ĐDSH toàn cầu.
– Tiêu chí 8: là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và/hoặc đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu ĐNN hay ở nơi khác tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể.
– Tiêu chí 9: là nơi thường xuyên hỗ trợ 1% số lượng một loài hoặc phân loài động vật, phi gia cầm sống phụ thuộc vào khu ĐNN.
Năm 1989, Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước Ramsar. Trình tự đề cử một khu Ramsar
Việc đề cử các khu Ramsar hiện nay được tiến hành theo các bước sau:
– Xác định các khu vực có tiềm năng trở thành khu Ramsar trên cơ sở các tiêu chí của khu Ramsar theo quy định của Công ước Ramsar;
– Lập hồ sơ đề cử khu Ramsar theo yêu cầu của Ban Thư ký công ước, trong đó làm rõ các tiêu chí đáp ứng cho một khu Ramsar;
– Tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ TN&MT và Chính phủ xem xét thông qua việc đề cử hồ sơ khu Ramsar;
– Trình Ban Thư ký công ước xem xét công nhận khu Ramsar và tổ chức quản lý khu Ramsar sau khi được công nhận.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia tổ chức thẩm định; thông qua Hồ sơ đề cử các Khu Ramsar và làm việc với Ban thư ký Công ước Ramsar để xem xét công nhận Khu Ramsar tại Việt Nam.
Hình 1. Bản đồ các Khu Ramsar của Việt Nam
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH