Biosphere reserves
Hiện tại, thế giới có 701 KDTSQ do UNESCO công nhận nằm tại 124 quốc gia, trong đó 21 khu xuyên biên giới, phân bố: 79 khu ở 29 nước châu Phi; 33 khu ở 12 nước A-rập; 157 khu ở 24 nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương; 302 khu ở 38 nước thuộc châu Âu và Bắc Mỹ; 130 khu ở 21 nước thuộc Mỹ Latin và Ca-ri-bê.
Các quy định đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Các khu DTSQ không phải là đối tượng trong công ước hay hiệp định quốc tế, mà được điều hành bởi các thỏa thuận về mặt nguyên tắc giữa các quốc gia thành viên UNESCO. Nguyên tắc khung cho các khu DTSQ được thông qua bởi Đại hội đồng UNESCO và tất cả các quốc gia đều cam kết sẽ tuân thủ. Việc điều hành quản lý các khu DTSQ đều phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia. Ban Thư ký UNESCO không có “chức năng giám sát” mà là trách nhiệm của mỗi quốc gia thông qua Ủy ban quốc gia khu DTSQ hoặc Ủy ban quốc gia Chương trình con người và thiên nhiên (MAB).
Các tiêu chí chung đối với khu DTSQ là: (1) tập hợp các hệ sinh thái (HST) đại diện cho những khu vực địa sinh học lớn bao gồm cả những khu vực có sự tác động của con người ở những mức độ khác nhau; (2) Có tầm quan trọng cho bảo tồn ĐDSH; (3) Tạo ra các cơ hội để khám phá và trình diễn những cách thức phát triển bền vững ở quy mô vùng; (4) Có diện tích phù hợp để đáp ứng 3 chức năng của khu DTSQ; (4) Có đủ các phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng nêu trên của khu DTSQ.
Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, khu DTSQ có 3 vùng chức năng: Vùng lõi nhằm bảo tồn lâu dài đa dạng loài, các cảnh quan, HST; Vùng đệm nằm bao quanh hoặc tiếp giáp vùng lõi. Ở đây, có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến vùng lõi; Vùng chuyển tiếp nằm ở ngoài cùng. Tại đây, các hoạt động kinh tế vẫn duy trì bình thường trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên mà khu DTSQ đem lại.
Hình 1: Các vùng và chức năng của khu DTSQ