Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Đồng Tháp Mười, Tiền Giang

Mùa nước nổi Đồng Tháp Mười – Nguồn: https://gonatour.vn/

Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười: năm 2000, UBND Tiền Giang quyết định thành lập Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với nhiệm vụ quy tập, bảo tồn các loài sinh vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười và hướng dẫn nhân dân trồng tràm, vùng đệm xung quanh khu sinh thái. Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước có diện tích 106,8 ha, trong đó có bố trí ao nước trung tâm khoảng 01 ha, phần còn lại là các khu đất để trồng và nuôi các loài cây, con cần bảo tồn. Khu bảo tồn có hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước chua phèn Đồng Tháp Mười. Nhìn chung, khu bảo tồn có tương đối đầy đủ các loài động, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước và công tác bảo tồn được thực hiện tốt nên các đối tượng được bảo tồn đã và đang phát triển ổn định. Hiện nay các loài chim về cư ngụ, sinh sản ngày càng tăng, đa dạng phong phú về chủng loại và phát triển ổn định; nhờ vậy, hệ sinh thái trong khu bảo tồn phát triển ngày một đa dạng về chủng loài và số lượng.

Bên cạnh Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang còn có nhiều khu vực quan trọng khác trong bảo tồn cảnh quan, bảo tồn di tích văn hóa – lịch sử, công trình kiến trúc và các khu du lịch. Trong đó có khoảng 80 di tích cấp tỉnh; khoảng 20 di tích cấp quốc gia; đây là một tập hợp tài nguyên quý giá đầy tiềm năng cho phát triển du lịch và du lịch sinh thái. Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng (phần không thể thay đổi); thì cảnh quan xung quanh (phần có thể thay đổi) góp phần rất lớn trong việc thu hút khách tham quan. Vai trò của cảnh quan, sinh cảnh trong những khu vực này có một giá trị bảo tồn đa dạng sinh học nhất định; đây là nơi có thể triển khai lưu giữ bảo tồn các loài thực vật ưu tiên bảo tồn (bảo tồn chuyển chỗ), tái tạo quần cư cho các loài động vật hoang dã (ÐVHD). Tuy nhiên, hiện nay phần lớn việc quy hoạch cảnh quan các điểm này thường tự phát và không được thiết kế bởi những nhà cảnh quan và sinh thái học chuyên nghiệp.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan