Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Phú Quốc, Kiên Giang

Vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang – Nguồn: http://www.lanbienphuquoc.com/

Khu bảo tồn biển Phú Quốc nằm trong vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thành lập năm 2007, là một trong 11 Khu bảo tồn biển hiện có tại Việt Nam.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc là loại hình bảo tồn loài, sinh cảnh với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm có tổng diện tích 26.863ha. Trong số đó, diện tích bảo tồn rạn san hô 9.720ha thuộc cụm đảo Hòn Thơm; bảo tồn cỏ biển 6.825ha thuộc địa bàn từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh; vùng phát triển trên 10.000ha.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và những vấn đề về môi trường.

Nhiều du khách đã lựa chọn nơi này để khám phá vì ở đây tài nguyên biển phong phú. Với các rạn san hô nhiều màu sắc và hình thù phân bố trải dài khắp các hòn đảo chủ yếu ở phía Nam, cùng với đó là các loài cá và cỏ biển, có thể nói nơi đây là địa điểm thích hợp với những ai ưa thích lặn biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới biển.

Diện tích thảm cỏ biển khá lớn khoảng 10000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài vật biển sinh sôi, phát triển như cá ngựa, cua, ghẹ..

Khu bảo tồn biển Phú Quốc được biết đến với sự có mặt của nhiều loài động vật biển được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ như Dugong ( bò biển), rùa biển và cá heo. Do sự bảo tồn và chất lượng môi trường tốt, số lượng các loài này những năm trở lại đây có xu hướng tăng.

Chính sự đa dạng về loài vật biển mà những người đi du lịch Phú Quốc, đều muốn ghé qua khu bảo tồn để chiêm ngưỡng những sinh vật tại khu bảo tồn.

Ngoài ra, vùng biển Phú Quốc còn là nơi tập trung nguồn giống, bãi ươm nuôi của ấu trùng, con non của các loài hải sản được ngư dân nuôi trong những chiếc bè lồng giữa biển, tạo nguồn lợi thủy sản chất lượng cao và công ăn việc làm ổn định cho người dân trên đảo.

Phú Quốc còn có rất nhiều loài cá rạn san hô có giá trị thương mại cao như cá mù, cá hồng, cá kẽm, cá bè, cá mó, cá bò da… được khai thác phục vụ nhu cầu lớn của thị trường. Bên cạnh đó một số loài động vật thân mềm quý hiếm cũng được nuôi cấy và phát triển ở đây như hầu ngọc, bào ngư, điệp….

Ngày 15/9/2020, Vườn quốc gia Phú Quốc tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1890/QĐ-UBND ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc phê duyệt điều chỉnh phạm vi, diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh phạm vi, diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc, với các nội dung chính như sau: Phạm vi ra soát, phân vùng Khu bảo tồn biển thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích là 40.909,47 ha (tăng 14.046,3 ha so với phạm vi, diện tích được phê duyệt tại Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 03/01/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh, về thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); bao gồm khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển, với 03 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt 7.087,37 ha; phục hồi sinh thái 11.537,51 ha ; dịch vụ – hành chính 9.817,02 ha và thiết lập vùng đệm 12.467,57 ha.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan