Khu Bảo vệ cảnh quan Hồ Lắk, Đắk Lắk

Đón chào bình minh trên mặt Hồ Lắk – Nguồn https://www.vntrip.vn/

Khu bảo vệ cảnh quan hồ Lắk nằm trên địa giới hành chính các xã Bông Krang, Đắk Liêng, Yang Tao và thị trấn Liên Sơn (H.Lắk), với tổng diện tích hơn 10.300 ha.

Khu bảo vệ này được chia thành 3 phân khu: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và hành chính – dịch vụ. Việc thực hiện quy hoạch này nhằm bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng vùng núi Tây nguyên; bảo tồn cảnh quan đất ngập nước tại hồ Lắk gắn với quản lý bền vững lưu vực đầu nguồn sông Sêrêpốk, sông Mê Kông; đồng thời kết hợp phát triển du lịch sinh thái – văn hóa bản địa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong vùng quy hoạch…

Là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên, hồ Lắk có diện tích khoảng 6,2 km2, nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, với nguồn cung cấp nước chính đến từ con sông Krông Ana. Hồ được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú, mặt hồ phẳng lặng, xanh ngắt, phản chiếu hình bóng của núi rừng, mang đến cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bình yên và vô cùng thơ mộng. Sinh sống xung quanh hồ đa phần là người M’Nông đến từ các buôn làng như buôn Jun, buôn M’Liêng, buôn Lê… vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Theo truyền thuyết được kể lại, sự tích hồ Lắk gắn với chàng dũng sĩ Lắk Liêng – người con dân tộc M’Nông. Ngày xửa ngày xưa, trận chiến giao tranh giữa thần Lửa và thần Nước diễn ra rất quyết liệt và kéo dài qua nhiều mùa rẫy, chiến thắng thuộc về thần Lửa đã khiến cho buôn làng M’Nông chìm trong khô hạn. Thế nhưng trong lúc đó, cuộc tình trái ngang giữa cô gái buôn làng và thần Lửa chớm nở, và chàng trai tên Lắk Liên chính là kết quả của cuộc tình. Lớn lên, Lắk Liêng đã ra đi tìm nguồn nước như một cách chuộc lại lỗi lầm của cha mẹ mình với buôn làng. Chàng đi tìm rất lâu, một hôm tình cờ cứu được con hươu bị mắc kẹt trong khe đá, chàng được chú hươu trả ơn bằng cách dẫn chàng đến một hồ nước rộng và sâu. Dân làng theo chàng Lắk Liêng đến đây sinh sống yên bình, và đây chính là hồ Lắk ngày nay.

Nguồn: Cục BTTN&ĐDSH

Bài viết liên quan