Khu Bảo vệ cảnh quan Lam Kinh, Thanh Hóa

Di tích lịch sử Lam Kinh – Nguồn: https://baothanhhoa.vn/

Di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa phận TT Lam Sơn và xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân và xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Từ thành phố Thanh Hóa đi về phía tây 50 km ta sẽ đến di tích Lam Kinh. Cách Hà Nội 150km đi đường Hồ Chí Minh, rẽ trái 1,5 km sẽ tới di tích lịch sử Lam Kinh.

 Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn – quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vào mùa xuân 1418, nơi hội tụ những anh hùng hào kiệt, chiêu tập quân sỹ khắp bốn phương dựng cờ khởi nghĩa. Sau 10 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, với bao nhiêu chiến công thắng lợi lẫy lừng. Ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Thân (1428), Lê lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long) đặt tên nước là Đại Việt, lấy niên hiệu là Thuận Thiên và ông có chủ trương xây dựng ở Lam Sơn là kinh đô thứ 2 của nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long). Từ đó Lam Kinh trở thành vùng đất “căn bản” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế, Hoàng Thái hậu nhà Lê, nơi cử hành những nghi lễ mỗi khi các vua Lê về bái yết Sơn Lăng.

Trải qua hàng ngàn đời nay, di tích lịch sử Lam Kinh được nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ các vua Lê và Hoàng Thái hậu đã trở thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, kiến trúc của dân tộc, ngày 28 tháng 4 năm 1962 Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có Quyết định số: 313/QĐ-VH xếp hạng di tích lịch sử Lam Kinh là DTLS cấp quốc gia.

Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa, di tích lịch sử Lam Kinh  đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt ngày 27 tháng 9 năm 2012.

Nguồn: Cục BTTN&ĐDSH

Bài viết liên quan