Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (Khu DTSQ Đồng Nai)

Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc khu DTSQ Đồng Nai) – Ảnh trên trang http://cattiennationalpark.com.vn/

Khu DTSQ Đồng Nai thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình phước, Lâm Đồng và Đắc Lắc được công nhận ngày: 10/11/2001 với tổng diện tích: 728.756 ha; dân số: khoảng 170.500 người; sau khi mở rộng thêm vùng lõi và đổi tên thành khu DTSQ Đồng Nai đã được UNESCO công nhận ngày 28/6/2011 với 969.993 ha; số dân: khoảng 170.500 người.

Khu DTSQ Đồng Nai trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó:

– Vùng lõi: 172.502 ha, gồm: Vườn Quốc gia Cát Tiên: 72.208 ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai: 100.294 ha.

– Vùng đệm: 349.995 ha.

– Vùng chuyển tiếp: 447.496 ha.

Nơi đây có khu vực rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam nước ta, với rất nhiều loài động thực vật quí hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng. Các hệ sinh thái ở đây cực kỳ quan trọng với chức năng điều hoà nước vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ, kể cả TP Hồ Chí Minh các khu chế xuất, khu công nghiệp, dân cư…

Khu sinh quyển có hơn 13 dân tộc anh em sống, bao gồm: người kinh (vùng đồng bằng, đất thấp), người S’Teng và Châu Mạ, Châu Ro sống định cư ở đây từ vài thế kỷ bên cạnh các dân tộc ít người mới từ miền Bắc chuyển vào như Tày, Nùng, Dao, Hoa, H’Mông… Trong kháng chiến. đây là khu căn cứ cách mạng “Chiến khu D” với truyền thống anh dũng bất khuất của rừng miền Đông Nam Bộ đóng góp phần quan trọng vào chiến thắng vinh quang của dân tộc.

Khu sinh quyển bao gồm cả Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu. Khu DTSQ Đồng Nai là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích, đây sẽ là mô hình phát triển bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa. Các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Mô hình này hứa hẹn triển vọng về công tác bảo tồn theo quan điểm “Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan