Khu dự trữ thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị

Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Ảnh: VH

Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa được thành lập theo Quyết định 1183/QĐ-UB, ngày 07/7/2010 của UBND tỉnh Quảng Trị, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị. Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa với diện tích tự nhiên 23.456,71 ha là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, có vị trí vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước và bảo vệ môi trường.

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa thuộc địa bàn của 5 xã: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh, thuộc huyện Hướng Hóa. Nhiệm vụ của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bao gồm quần thể các động, thực vật quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, Voọc Hà Tĩnh, Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn… và Đinh tùng, Lan hài, Trầm hương…, trong đó, có nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa diệt chủng. Ngoài ra, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa còn thực hiện nhiệm vụ duy trì giá trị dịch vụ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, sông Hiếu và sông Sê Păng Hiêng (CHDCND Lào), giữ nguồn nước cho lưu vực hồ Rào Quán của công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị.

Được biết đến là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với địa hình đặc trưng là vùng thấp nhất của dãy Trường Sơn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là Khu bảo tồn duy nhất nằm về phía Tây của dãy Trường Sơn có tài nguyên động thực vật rất đa dạng phong phú nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Đặc biệt, hệ sinh thái tại Khu bảo tồn trải dài từ độ cao 150 đến 1.700 mét so với mặt nước biển nên có nhiều loài động thực vật đặc hữu được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Khu bảo tồn có 283 loài thực vật, trong đó 59 loài thực vật quý hiếm; 1 số loài đặc hữu như 109 loài thú, 207 loài chim, 81 loài bò sát ếch nhái, 33 loài cá. Vì vậy, không chỉ bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, các cán bộ và nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa còn triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng lâu dài và bền vững.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan