Khu dự trữ thiên nhiên Nâm Nung – nguồn: https://daknonggeopark.com/
Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Nâm Nung thuộc địa giới hành chính của 07 xã là Nâm Nung, Nâm N’Đir, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) và các xã Đăk Hòa, Đăk Mol, Nâm N’Jang (huyện Đăk Song).
Tọa độ địa lý nằm trong ô tọa độ 12o12’00” đến 12o20’00” vĩ độ Bắc, 107o44’00” đến 107o53’00” kinh độ Đông. Với diện tích 12.307 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.
Phần lớn diện tích của Khu vẫn là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây lớn, trong đó chủ yếu là sao đen, bằng lăng, dầu… Hiện tại nơi đây có những cây sao đen lớn, đường kính gốc hàng mét, cao hàng chục mét. Đỉnh cao nhất ở đây và cũng là của cả vùng Nam Tây Nguyên là Nâm Nung (núi sừng trâu) với độ cao 1.500 m. Vì thế, Nâm Nung được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Sêrêpốk và mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai. Từ đỉnh Nâm Nung, có những suối nước đổ xuống, qua bặc đá tạo thành thác với nhiều bậc nên có thác Ba tầng, lại có thác Bảy tầng tùy theo số lượng bậc thang trên dòng nước.
Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung còn có Di tích lịch sử cấp Quốc gia là Căn cứ kháng chiến B4 – Liên khu IV, là địa điểm Tỉnh ủy Quảng Đức (cũ) đứng chân trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; là hành lang chiến lược đưa sức người, sức của từ hậu phương ra tiền tuyến; là “bản lề” nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, miền Bắc với miền Nam; là nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương đến chỉ đạo cuộc tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975… Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, ghi lại những trang sử hào hùng của đồng bào các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, của N’Trang Gưh… trong các cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XX.
Nhiều năm nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung đã là điểm du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử thu hút du khách, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh. Vào tháng Ba hàng năm, nơi đây là địa chỉ để tuổi trẻ các địa phương tổ chức “Về nguồn” với các hoạt động phong phú, ý nghĩa như thi leo núi, triển khai chương trình bảo vệ môi trường, hưởng ứng “Giờ Trái đất”, làm công tác xã hội từ thiện đối với đồng bào địa phương…
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH