Khu dự trữ thiên nhiên Tây Yên Tử, Bắc Giang

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử – Nguồn: http://dulichbacgiang.gov.vn/

Yên Tử là dãy núi cao, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đây là dãy núi chính của vòng cung Đông Triều (từ Quảng Ninh qua Hải Dương – Bắc Giang và dừng ở bờ tả sông Lục Nam).

Trong sơn phận Yên Tử có các mạch núi chính, như: Lôi Âm, Phật Sơn, Am Ni, Chúng Sơn, Thanh Mai, Bác Mã, Côn Sơn, Huyền Đinh, Tượng Sơn, Khám Lạng… Đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử là ngọn Lôi Âm (gần 1.200m), ngọn Phú Lãm của núi Phật Sơn (gần 1.000m), còn lại các ngọn khác từ 800m trở xuống. Trong các mạch núi này có hai thảm thực vật nguyên sinh, đó là thảm thực vật rừng nhiều tầng và thảm thực vật rừng khô hạn.

Đất đá ở đây cũng không đồng nhất, hệ sinh thái cũng khác nhau. Từ trên núi có những nguồn nước lớn chảy dồn vào khe, tạo nên các suối nước lớn. Nhiều con khe lao xuống các vách đá tạo nên những thác nước lớn, như: thác nước vàng, thác Rót (Lục Sơn), thác Suối Mỡ, thác Thùm Thùm (Nghĩa Phương), Vực Rêu (Cẩm Lý) của huyện Lục Nam. Còn ở các rừng sa van, rừng của những trảng bụi, trảng cỏ tranh xen lẫn cây chịu hạn thì nguồn nước ít và chỉ ẩm ướt ở dưới chân khe, do đó cây xanh chỉ là những vệt ven theo các khe mà không có ở các sườn núi. Vùng đất của Yên Tử do cận kề với biển, án ngữ biển đã tạo nên khí hậu nơi đây thuộc vùng khí hậu nhiệt đới có gió mùa đông bắc lạnh. Nhìn toàn cảnh, Yên Tử là một dãy núi lớn, một danh sơn của vùng Đông Bắc. Nó có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử đồng thời còn tiềm chứa nhiều giá trị lịch sử văn hóa.

Yên Tử là khu rừng tự nhiên tập trung lớn nhất của tỉnh Bắc Giang và của vùng Đông Bắc, nằm trên diện tích của các xã An Lạc, Thanh Sơn, Thanh Luận (huyện Sơn Động) và xã Lục Sơn (huyện Lục Nam). Đây là khu rừng phân bố ở độ cao từ 200m đến hơn 1.000m so với mặt biển và có địa hình cao dốc phức tạp.

Rừng Yên Tử có vị trí vô cùng quan trọng đối với việc phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu cho vùng Đông Bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, rừng Yên Tử còn có nguồn tài nguyên rừng khá lớn, đủ điều kiện để xây dựng thành một khu dự trữ thiên nhiên với diện tích trên 17.000 ha và tổng trữ lượng gỗ gần 1.000.000 m3. Mặt khác, do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc, hiểm trở nên rừng tự nhiên Yên Tử còn giữ được những khu vực tương đối nguyên vẹn với một quần thể sinh vật phong phú, đa dạng, đặc trưng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, rừng Yên Tử có tới 728 loài thực vật, thuộc 189 chi của 86 họ và 226 loài động vật thuộc 81 họ của 24 bộ, trong đó có hàng chục loài động, thực vật rừng thuộc loại quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Điển hình về thực vật rừng là các loài: pơ-mu, đinh, lim, sến, mật, gụ, lát hoa, trầm hương, thông tre, thông nàng, lim xanh, táu lá nhỏ… Các loại dược liệu quý hiếm như: sa nhân, hoàng tinh lá có cánh, ngũ gia bì, châm chim, râu hùm, mộc hoa trắng, ba kích, sa nhân… Động vật rừng có: beo, cu li, voọc đen, chó sói, gấu ngựa, khỉ vàng, hươu vàng, sơn dương, kỳ đà, sóc bay lớn, gà tiền, gà lôi, rùa vàng, rắn hổ mang chúa…

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử có nhiều nguồn gien động, thực vật rừng quý hiếm, đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam mà nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác không có.

Trên hệ thống núi Yên Tử có nhiều thắng tích nổi tiếng đã được sử sách xưa ghi nhận, đó là: khu thắng tích Am Vãi; khu thắng tích Suối Mỡ – Hồ Bấc; khu thắng tích Huyền Sơn; khu di tích Khám Lạng; khu di tích Hòn Tháp – Yên Mã… Các khu thắng tích này là một quần thể rộng gồm danh sơn và cổ tích hợp lại. Hầu hết, những khu di tích nằm trên sơn phận Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang là những khu di tích cổ, có từ thời Lý – Trần (thế kỷ XI đến thế kỷ XIV). Đó là những di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua là Trần Nhân Tông sáng lập.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan