Khu dự trữ thiên nhiên Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa

Rạn san hô vịnh Nha Trang – Nguồn: https://dukhach.khanhhoa.gov.vn/

Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160 km², trong đó có khoảng 38 km² mặt đất và 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

Vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển của Việt Nam. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển…, với các hệ sinh thái (HST) biển đa dạng, phong phú.

HST rạn san hô

 Rạn san hô có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, bảo vệ cấu trúc nền đáy, duy trì các dòng chảy tự nhiên. Rạn san hô là nơi trú ẩn, sinh sản và phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Theo các nghiên cứu và thống kê cho thấy, vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha), Hòn Cau (3,2 ha)… Hiện nay, chỉ có Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định còn ở VinPearl – Hòn Tre, Bích Đầm, Hòn Một bị tàn phá bởi hoạt động đánh bắt và tác động của môi trường. Hiện Viện Hải dương học đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên. Trong thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã nỗ lực bảo vệ nguyên vẹn rạn san hô tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và duy trì san hô ở trạng thái tốt.

HST rừng ngập mặn

Diện tích rừng ngập mặn trong toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 104,08 ha, trong đó, vịnh Nha Trang có khoảng 7 ha. Điều này cho thấy sự suy giảm của rừng ngập mặn và mất nơi cư trú của các loài thủy cư. Trong những năm gần đây, rừng ngập mặn đã được trồng khôi phục lại.

HST thảm cỏ biển

Tổng diện tích thảm cỏ biển trong toàn vịnh Nha Trang khoảng 78 ha. Phân bố chủ yếu tại Đầm Tre, Hòn Chồng, Nam Trí Nguyên. Thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và kim loại có trong môi trường biển nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm của môi trường. Đồng thời đây là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật biển. Trong những năm qua, cỏ biển đã bị suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, đặc biệt lượng trầm tích đã bị chôn vùi hàng loạt tại khu vực có thảm cỏ biển. Mặc dù cỏ biển chưa mang lại giá trị kinh tế cao nhưng có vai trò ổn định, cân bằng đa dạng sinh học và duy trì nguồn lợi thủy sản.

Nhìn chung, các HST đã góp phần tạo nên giá trị đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản dồi dào trong vịnh Nha Trang, mang lại giá trị kinh tế và triển vọng phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH

Bài viết liên quan