Hoàng hôn trên bãi Nhát (Côn Đảo) – Tác giả Trương Tí Nhi
Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trên địa bàn huyện Côn Đảo có diện tích gần 20.000 ha, trong đó diện tích hợp phần bảo tồn rừng gần 6.000 ha, diện tích hợp phần bảo tồn biển gần 14.000 ha. Ngoài ra, VQG còn có vùng đệm biển bao quanh các phân khu là 20.500 ha. Các HST điển hình của một vùng biển nhiệt đới và là sinh cảnh của nhiều loài động, thực vật đặc hữu của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Theo Ban Quản lý VQG Côn Đảo, hiện VQG Côn Đảo đã ghi nhận trên 1.000 loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo. Vườn cũng đã ghi nhận được 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Mặc dù số lượng loài không cao nhưng mật độ cá thể lại rất cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như Sóc đen Côn Sơn. Riêng khu hệ chim Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học đã khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài bồ câu nicoba, chim nhiệt đới.
Bên cạnh đó, HST biển VQG Côn Đảo có RNM, các rạn san hô và thảm cỏ biển. RNM có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000 ha.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các HST rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Tại đây, đã triển khai các dự án về công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm. Vườn Quốc gia Côn Đảo còn là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa (như Dugon, rùa biển). Vườn còn là nơi đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì ĐDSH quan trọng tại Việt Nam và của thế giới, là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư của nhiều loài sinh vật biển.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH