VQG Xuân Thủy – Ảnh do VQG cung cấp
Vườn Quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định là một khu vực bãi bồi màu mỡ phía nam cửa Ba Lạt của sông Hồng với tổng diện tích khoảng 7.100 ha. Khu vực ĐNN ở đây là nơi trú ngụ của quẩn thể các loài động thực vật ngập nước điển hình ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với môi trường sống của hơn 215 loài chim nước mà nhiều loại trong số đó có tên trong sách đỏ thế giới như: Cò mỏ thìa, choi choi mỏ thìa, choắt lớn mỏ vàng, diệc đầu đỏ, bồ nông, mòng biển,…
Vườn Quốc gia Xuân Thủy có 120 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước cấu thành nên hàng ngàn ha RNM. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa đề tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài động vật thủy sinh, đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái trong khu vực. Thực vật nổi có 111 loài, nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao như Rong câu chỉ vàng. Hàng năm, có đến khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây làm điểm dừng cân trên hànhg trình về phương nam tránh rét, trong đó có đến 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Cò mỏ thìa là loại chim nước có cái mỏ hình thìa rất độc đáo, hiện số lượng còn lại không nhiều trong tự nhiên, có lẽ vì thể mà hình ảnh của nó được làm biểu trưng cho VQG Xuân Thủy. Với những giá trị nổi bật toàn cầu của mình, vào năm 1989, vùng Đất ngập nước Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar thứ 50 của thế giới và đầu tiên ở Đông Nam Á với việc đáp ứng 6/9 tiêu chí của khu Ramsar.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH