1. Công ước CBD

Ngày 22 tháng 5 năm 1992 các quốc gia trên thế giới đã thông qua một Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học (Công ước CBD) tại Nairobi. Công ước CBD có hiệu lực vào ngày 29 tháng 12 năm 1993. Tính đến nay đã có 196 nước thành viên tham gia Công ước này.

Mục tiêu của Công ước là bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng lâu bền các hợp phần của nó và phân phối công bằng hợp lý lợi ích có được nhờ việc khai thác và sử dụng nguồn gen bao gồm cả việc tiếp cận hợp lý nguồn gen và chuyển giao thích hợp công nghệ cần thiết có tính đến các quyền sở hữu tài nguyên, công nghệ, nhờ có các tài trợ thích đáng.

Ảnh do VQG Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh) cung cấp

Nguyên tắc của Công ước: Các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế có toàn quyền khai thác các tài nguyên của họ theo các chính sách mà họ đề ra; và có trách nhiệm bảo đảm rằng các hoạt động trong phạm vi thẩm quyền hay kiểm soát của họ không làm phương hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia.

Việt Nam ký kết tham gia Công ước này vào ngày 28 tháng 5 năm 1993, được phê chuẩn vào ngày 16 tháng 11 năm 1994 và trở thành thành viên chính thức của Công ước vào ngày 14 tháng 2 năm 1995 và là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước này. 

Nghị định thư CARTAGENA

Nghị định thư CARTAGENA về An toàn sinh học thuộc Công ước Đa dạng sinh học, đã được hoàn thiện và thông qua tại Montreal, Canada ngày 29 tháng 01 năm 2000 trong cuộc họp của các bên tham gia Công ước, với 170 thành viên và có hiệu lực từ ngày 11 tháng 9 năm 2003. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư kể từ ngày 19 tháng 4 năm 2004. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm Cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này. 

Nghị định thư thiết lập những cam kết bắt buộc khác nhau mà tất cả các thành viên phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam với tư cách là thành viên đang phát triển. Những cam kết quan trọng nhất bao gồm thủ tục thỏa thuận thông báo trước và thủ tục đối với các sinh vật biến đổi gen được dùng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc để chế biến (LMOs-FFP). Ngoài ra, cũng phải kể tới những cam kết khác liên quan đến vận chuyển các sinh vật biến đổi gen hoặc báo cáo các biện pháp được tiến hành để thực hiện Nghị định thư. Một số nghĩa vụ cụ thể cần thực hiện khi tham gia Nghị định thư gồm:

– Thủ tục Thoả thuận thông báo trước (AIA) để đảm bảo các thành viên có thể đưa ra quyết định được thông báo trước về việc nhập khẩu các sinh vật biến đổi gen vào lãnh thổ quốc gia mình để trực tiếp đưa vào môi trường. 

– Thủ tục đối với các sinh vật biến đổi gen được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc để chế biến. 

– Những yêu cầu về vận chuyển qua biên giới đối với các sinh vật biến đổi gen, theo Điều 18, các thành viên phải tiến hành hai loại biện pháp đối với việc vận chuyển qua biên giới các sinh vật biến đổi gen.

Nghị định thư NAGOYA

Nghị định thư Nagoya về tiếp cần nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (gọi tắt là Nghị định thư Nagoya về ABS) đã được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học tại Nagoya – Nhật Bản năm 2010, với 93 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Việt Nam chính thức gia nhập là thành viên của Nghị định thư từ ngày 23 tháng 04 năm 2014. Nghị định thư Nagoya có hiệu lực từ ngày 12 tháng 10 năm 2014. Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này.

Nghị định thư được thiết lập với mục tiêu chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen nhằm đóng góp cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học. Nghị định thư Nagoya về ABS lần đầu tiên chính thức điều chỉnh một số vấn đề cơ bản đảm bảo việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) được thực thi như: các định nghĩa về mục tiêu, thuật ngữ, phạm vi và mối quan hệ với các văn kiện quốc tế khác, các nguyên tắc và các yêu cầu chính về chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý khi tiếp cận nguồn gen, tri thức truyền thống, các cơ chế để thực thi bao gồm cả cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương và cơ chế trao đổi thông tin về ABS, các biện pháp để thúc đẩy nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và hoạt động chuyển giao công nghệ về ABS. Đây được xem như những thành tựu chính trong sự phát triển về luật pháp và chính sách quốc tế về ABS.

Đường link Công ước CBD: https://www.cbd.int/

  1. Công ước RAMSAR

Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR) được ký tại thành phố Ramsar, Iran vào năm 1971. Thỏa thuận liên Chính phủ này nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Công ước có hiệu lực năm 1975 với số thành viên lên tới 170 quốc gia. 

Mục đích của Công ước RAMSAR được các Bên tham gia thông qua năm 1999 và được điều chỉnh năm 2002 là “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Thành viên tham gia Công ước RAMSAR có nghĩa vụ chính như sau:

– Chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước để đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và duy trì đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước này.

– Sử dụng khôn khéo đất ngập nước: lồng ghép các cân nhắc bảo tồn đất ngập nước vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia và khuyến khích sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước.

– Khuyến khích và tăng cường công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu dự trữ thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước và xây dựng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu RAMSAR và các khu dự trữ đất ngập nước có quy mô nhỏ và đặc biệt nhạy cảm.

– Thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn các vùng đất ngập nước, đặc biệt là các vùng đất ngập nước xuyên biên giới, các hệ thống nước cùng chia sẻ, các loài chung và viện trợ phát triển cho dự án đất ngập nước.

– Bồi dưỡng truyền thông về đất ngập nước và ủng hộ các hoạt động của Công ước.

Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới và đầu tiên của khu vực ASEAN chính thức tham gia Công ước RAMSAR từ năm 1989.

Link Công ước Ramsar: https://www.ramsar.org/

  1. Công ước CITES

Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) một hiệp ước đa phương. Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1975. Tới nay, với 175 quốc gia thành viên, CITES là Hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu. Mục đích của Công ước CITES nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật. 

Quy định của CITES mang tính pháp lý được áp dụng trên toàn thế giới đối với tất cả các nước thành viên, mỗi nước thành viên phải đảm bảo rằng luật, các quy định quốc gia hài hoà hoá với những quy định của CITES. Các nước thành viên khi tham gia Công ước có các nghĩa vụ sau:

– Xây dựng Danh mục quý hiếm, nguy cấp xếp theo Phụ lục Công ước.

– Áp dụng kiểm soát biện pháp của quốc gia nhập, xuát khẩu theo cam kết tại Công ước tại các Điều 3,4,5, 8, 9, 10.

– Áp dụng Giấy phép xuất nhập khẩu.

– Có 1 số miễn trừ biện pháp liên quan đến thương mại.

– Cử đầu quốc gia mối thực thi Công ước

– Tham dự các cuộc họp thường niên của các Bên tham gia Công ước.

Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước. 

Link công ước CITES: https://cites.org/eng

  1. Công ước UNCCD 

Công ước Chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazin vào tháng 6 năm 1992.Sau hơn một năm tham khảo ý kiến đóng góp của hơn 100 nước trên thế giới, cuối cùng Công ước đã được hoàn chỉnh vào tháng 6 năm 1994. Công ước được mở cho các nước ký tại Pari vào ngày 14 – 15 tháng 10 năm 1994. Đến năm 2019 có tổng cộng 197 thành viên bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế khác. Công ước UNCCD nhằm vào các mục tiêu cụ thể sau:

– Xây dựng các chương trình quốc gia, tiểu vùng và vùng để phòng chống khô hạn và sa mạc hoá

– Kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho việc chống sa mạc hoá

– Trao đổi thông tin, kỹ thuật và đào tạo về chống sa mạc hoá

– Ngăn chặn hậu quả sa mạc hoá dẫn đến di cư ồ ạt, các loài động thực vật bị tiệt chủng, khí hậu thay đổi

Các thành viên khi tham gia Công ước có các nghĩa vụ chính bao gồm:

– Xây dựng một phương pháp đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về lý học, sinh học, kinh tế xã hội của quá trình sa mạc hoá.

– Quan tâm đến các nước đang phát triển hiện đang bị ảnh hưởng bởi sa mạc và khô hạn, buôn bán quốc tế, nợ nước ngoài để xây dựng một nền kinh tế bền vững.

– Kết hợp chiến lược xoá đói giảm nghèo với phòng chống sa mạc hoá.

– Tăng cường hợp tác giữa các nước bị sa mạc và hạn hán để bảo vệ môi trường, nguồn đất và nước.

– Tăng cường hợp tác quốc tế, vùng và tiểu vùng.

– Hợp tác giữa các tổ chức liên chính phủ.

– Thành lập các tổ chức cần thiết, tránh sự trùng lập.

– Tăng cường sử dụng hệ thống tài chính song phương và đa phương hiện có để có thể huy động và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc hoá và hạn hán.

Việt Nam tham gia và ký kết Công ước từ năm 1998 là thành viên thứ 134 của Công ước. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước UNCCD là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp). 

Link Công ước UNCCD: https://www.unccd.int/

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH