NỖ LỰC CỦA VIỆT NAM TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI HỘI NGHỊ VƯỜN DI SẢN ASEAN LẦN THỨ 7

TS. Trần Ngọc Cường – Trưởng đoàn AHP của Việt Nam báo cáo tại Hội nghị – Ảnh do Ban tổ chức AHP cung cấp

Chương trình Vườn Di sản ASEAN được các nước Đông Nam Á bắt đầu thực hiện từ năm 2003, cho đến nay có tổng cộng 53 địa danh được công nhận là Vườn di sản ASEAN (gọi tắt là AHP), trong đó Việt Nam có 10 AHP, là quốc gia có nhiều khu AHP nhất trong khu vực.

Tại hội nghị Vườn di sản ASEAN lần 7, đoàn AHP của Việt Nam có tổng cộng 34 người tham dự. Trong cuộc họp giữa các nhà quản lý AHP, Việt Nam đã có bài trình bày báo cáo quốc gia về các hoạt động quản lý vườn di sản ASEAN.
Theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định. Trong Sách đỏ Việt Nam 2007, tổng số loài động vật hoang dã bị đe dọa là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), trong đó có 9 loài được coi là đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Kiểm kê loài năm 2016 đề xuất bổ sung 1.211 loài (600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật) vào Sách đỏ cập nhật. Như vậy, so với Sách đỏ 2007, số lượng loài bị đe dọa, nguy cấp tăng lên đáng kể. Việt Nam cũng được công nhận là một trong những quốc gia có trữ lượng giống cây trồng và vật nuôi nông nghiệp lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây nông nghiệp và 40 loài vật nuôi. Từ năm 2014 đến 2018, thông tin về 344 loài mới được tìm thấy – 208 loài động vật, 136 loài thực vật – đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và Tạp chí Sinh học quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ủy ban cố vấn khoa học – Ảnh do Ban tổ chức AHP cung cấp

Việt Nam đã có những đổi mới trong quản lý các Vườn di sản ASEAN. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối hướng dẫn soạn thảo hồ sơ, thẩm định, trình đề cử chứng nhận AHP cho Ban thư ký ASEAN, triển khai các hoạt động của AHPs. tham gia hội đồng AHPs. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông có trách nhiệm quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Việt Nam cũng đã xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật quản lý trong lĩnh vực đa dạng sinh học như: Luật đa dạng sinh học (2008), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020). Vườn di sản ASEAN được quy định là di sản thiên nhiên và được quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Các đại biểu đoàn Việt Nam tham gia tại Hội nghị – Ảnh do đoàn AHP cung cấp

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam được thông báo công nhận thêm 2 danh hiệu Vườn di sản ASEAN mới cho Vườn quốc gia Côn Đảo và Vườn quốc gia Bạch Mã, nâng tổng số khu AHP tại Việt Nam lên 12 AHP.
Việc hai vườn quốc gia Bạch Mã và Côn Đảo dự kiến sẽ trở thành Vườn Di sản ASEAN thứ 54 và 55 của ASEAN sẽ góp phần nâng số lượng khu bảo tồn quốc gia của Việt Nam thành 12 Vườn Di Sản ASEAN trong năm 2023.
Vườn quốc gia Bạch Mã (nằm trên địa bàn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) là một khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam, đạt được 10/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Đây cũng là vườn quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và ASEAN.
Việc công nhận Vườn quốc gia Bạch Mã là Vườn Di sản ASEAN sẽ là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của đa dạng sinh học của ASEAN, thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý cũng như tăng cường hợp tác với các Vườn Di sản khác trong mạng lưới về bảo tồn và phát triển bền vững của ASEAN.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Côn Đảo gồm 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn, nằm ở phía Đông Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một vườn quốc gia vùng biển của Việt Nam.
Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Côn Đảo đã được ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện được đánh giá là Vườn quốc gia đạt 9/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Vườn quốc gia này được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn cả những giá trị lịch sử-văn hóa của Việt Nam
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xem xét, lựa chọn đề cử các khu bảo tồn đủ tiêu chí trình phê duyệt danh hiệu AHP.

Nguyễn Thị Thanh  Hương – Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Môi trường – TCMT


Bài viết liên quan