Thông tin chuỗi hội thảo của Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học tháng 12 năm 2022

Trong 3 ngày 7-9/12, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức chuỗi hội thảo với đa dạng chủ đề, thu hút được đông đảo các đại biểu đến từ các cơ sở bảo tồn, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 09 tháng 12, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã tổ chức hội thảo đề xuất thành lập Diễn đàn đối tác về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái. Mục tiêu của diễn đàn hướng tới thúc đẩy cơ chế hợp tác sâu, rộng giữa các bên liên quan nhằm thu hút nguồn lực, tăng cường hiệu quả quản lý, bảo tồn, phục hồi các giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Từ đó góp phần thiết lập và duy trì được cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác phát triển và nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế, khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội về bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; cũng như tạo nền tảng để huy động nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn phát biểu tại hội thảo đề xuất thành lập Diễn đàn đối tác về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái – Ảnh do Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cung cấp

Tại hội thảo. nhiều đại biểu cho rằng diễn đàn rất cần thiết với tình hình hiện nay vì công tác bảo tồn tại Việt nam cần sự liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là với khu vực tư nhân. Ngoài ra, diễn đàn cần cân nhắc kết hợp cơ chế tài chính để huy động nguồn lực từ các bên tham gia cũng như đảm bảo cam kết chính trị trong việc duy trì và vận hành diễn đàn. Bên cạnh đó các đại biểu đề xuất nên bổ sung thêm các nội dung khác để làm phong phú thêm các chủ đề trao đổi hợp tác của diễn đàn. Đặc biệt, đại diện nhiều tổ chức lớn như Ngân hàng thế giới, WWF.

Việt Nam, Green Việt đã cam kết đồng hành cùng với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trong việc xây dựng diễn đàn thành công.

Sau khi nhận được các ý kiến đóng góp, nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục chỉnh sửa đề xuất, tập trung làm rõ các mục tiêu, bổ sung các chủ đề cũng như đề cao tính tự nguyện của cơ chế tham gia.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cường năng lực cho các cơ sở bảo tồn, Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phối hợp với Viện Lâm nghiệp và Đa dạng sinh học nhiệt đới (IBF) tổ chức Hội thảo tập huấn thí điểm tăng cường năng lực cho các cơ sở bảo tồn động vật hoang dã với sự tham gia của hơn 30 đại biểu của các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên cả nước. Hội thảo đã cập nhật những kiến thức cụ thể liên quan đến chuyển vị bảo tồn động vật hoang dã, hướng dẫn cứu hộ động vật hoang dã, xử lý các tình huống liên quan, cách lập hồ sơ quản lý, báo cáo tình trạng loài tại cơ sở bảo tồn, hướng dẫn xây dựng chuồng trại cho các loài nguy cấp, kỹ năng xây dựng chương trình truyền thông và nhiều kỹ năng khác.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về nội dung tập huấn, giúp nhóm chuyên gia và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tiếp tục hoàn hiện. Sau đó, các tài liệu tập huấn này sẽ được phổ biến đến các cơ sở bảo tồn, trung tâm cứu hộ như một bộ công cụ giúp các đơn vị triển khai các hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh tập huấn các kiến thức về bảo tồn, trước đó, vào ngày 7/12. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức hội thảo tập huấn, hướng dẫn sử dụng Cơ sở dữ liệu và Hệ thống báo cáo về hiện trạng loài nguy cấp, quý, hiếm. Hệ thống được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật và nắm bắt được các dữ liệu về loài của các đơn vị bảo tồn. Tính đến nay, cơ sở dữ liệu này đã có thông tin của gần 400 loài nguy cấp, quý hiếm bao gồm các loài động vật và thực vật hoang dã. Cơ sở dữ liệu này cung cấp thông tin về hiện trạng của loài, phân bố, tình trạng quần thể, mức độ bảo vệ, đặc điểm sinh thái, nhận dạng loài…

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu hoan nghênh sự ra đời của hệ thống vì đáp ứng nhu cầu thông tin về các loài hoang dã. Theo nhiều đại biểu, sự thiếu hụt về thông tin về hiện trạng các loài là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả bảo tồn chưa được như mong đợi. Do đó, hội thảo là dịp để các đại biểu nắm được cách sử dụng hệ thống và đóng góp ý kiến hoàn thiện hệ thống.

Giao diện thử nghiệm của Hệ thống cơ sở dữ liệu về các loài nguy cấp quý, hiếm

Hiện nay, cơ sở dữ liệu sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, tối ưu các tính năng theo ý kiến đóng góp của các đại biểu. Sau khi được thử nghiệm thành công, cơ sở dữ liệu sẽ được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học và chia sẻ cho các cơ quan quản lý trên cả nước. Hệ thống này hứa hẹn sẽ giúp các đơn vị thực hiện khảo sát, nghiên cứu chính xác hơn, từ đó đưa ra những hoạt động cứu hộ, phục hồi loài phù hợp với thực tế hơn.

Nằm trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” được tài trợ do GEF-WB tài trợ, chuỗi hội thảo tháng 12 của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học được kỳ vọng sẽ tiếp tục kết nối các tổ chức, đơn vị bảo tồn để hướng đến tương lai bền vững cho đa dạng sinh học Việt Nam./.

Nguồn: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học

Bài viết liên quan