Ngày 3-4/11/2022 tại Khu dự trữ Sinh quyển Quần đảo Cát Bà đã diễn ra Lễ Mít tinh Kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ Sinh quyển và Hội thảo Tổng kết mạng lưới các Khu dự trữ Sinh quyển và vai trò của thanh niên. Tham dự Lễ mít tinh có Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển, đại diện các cơ quan trung ương, Lãnh đạo UBND Thành phố Hải phòng, các cơ quan, tổ chức và người dân tại địa phương cùng sự hiện diện của 11 Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi lễ – Ảnh do Ban tổ chức cung cấp
Ngày 3 tháng 11 được UNESCO tuyên bố là ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển vào năm 2021 nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Năm 2022, ngày Quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được kỷ niệm trên toàn thế giới. Đây là sự kiện quan trọng để tuyên truyền sâu rộng cho toàn xã hội về vai trò của khu dự trữ sinh quyển thế giới đối với đời sống và sinh kế con người; kêu gọi các sáng kiến và hành động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các sinh kế bền vững cho cộng đồng trên toàn cầu và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các quốc gia.
Việt Nam tự hào đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới với những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học của đất nước, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Tại Việt Nam, KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận là KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000, sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), KDTSQ Đồng Nai (2001, 2011), KDTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), KDTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng (2004), KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), KDTSQ Miền Tây Nghệ An (2007), KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009), KDTSQ Mũi Cà Mau (2009), KDTSQ Lang Biang (2015), KDTSQ Núi Chúa (2021) và KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng (2021). Trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được UNESCO công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, nước có 19 KDTSQ.
Tổng diện tích của 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước). Các KDTSQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.
Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các khu dự trữ sinh quyển đã từng bước được thiết lập. Tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển là một nhiệm vụ được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại các khu DTSQ, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các khu DTSQ và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hội thảo Tổng kết Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới của Việt Nam được diễn ra vào ngày 4 tháng 11. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày báo cáo Các hoạt động nổi bật của các KDTSQ Việt Năm 2022 và vai trò của thanh niên; báo cáo Các hoạt động và định hướng quản lý KDTSQ; báo cáo Tóm tắt kết quả kỳ họp MAB ICC lần thứ 34 và các hoạt động quốc tế của mạng lưới KDTSQ thế giới; báo cáo kết quả Diễn đàn Thanh niên Sinh quyển Việt Nam và báo cáo Tổng kết các hoạt động của từng KDTSQ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo – Ảnh do Ban tổ chức cung cấp
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, Bộ hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý KDTSQ các Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao chàm- Hội An, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai trong khuôn khổ Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (Dự án BR) do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Hương – Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Môi trường – TCMT