“Trạm xá” chăm sóc, cứu hộ động vật rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Tây Ninh.

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 91/2002/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2002 của  Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, UBND tỉnh đã Quyết định mở rộng quy mô Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát với tổng diện tích tự nhiên gần 30.000 ha trên cơ sở sáp nhập Khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc vào Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái đất ngập nước của vùng chuyển tiếp giữa Nam Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Với mục tiêu cụ thể bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm và đặc hữu để bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục và du lịch sinh thái; triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia, các hoạt động về hợp tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học giữa các nước Đông Dương.

Ảnh: Mèo rừng (Felis bengalensis). Bị mất 01 chân do dính bẫy

Theo đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Ban quản lý Vườn quốc gia đã được phê duyệt. Khu chăm sóc, cứu hộ đông vật hoang dã trực thuộc Phòng Khoa học, Bảo tồn và Hợp tác quốc tế quản lý. Ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2018 đến nay, khu chăm sóc cứu hộ động vật hoang dã đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hơn 1000 cá thể để chăm sóc, kiểm tra sức khỏe ban đầu và tái thả về môi trường tự nhiên. Nơi đây được ví như “trạm xá” cho các loài động vật rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát.Hiện tại Khu chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã đang chăm sóc, cứu hộ 18 cá thể gồm nhiều loài khác nhau. Trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới IUCN như: Vượn đen má vàng, Khỉ đuôi lợn, Cu li nhỏ, Rái cá vuốt bé, Cá Sấu xiêm, Rùa hộp núi vàng, Trăn gấm, Trăn đất, Diều lửa, Gà tiền mặt đỏ, Gà lôi hông tía, Gà rừng, Mèo rừng… Các cá thể này được đưa tới “trạm xá” để chăm sóc, cứu hộ chủ yếu từ các vụ bẫy bắt động vật rừng, các vụ buôn bán trái phép và một số cá thể được người dân tự nguyện giao nộp sau thời gian Vườn quốc gia tuyên truyền vận động về việc nuôi nhốt động vật hoang dã trái quy định.

Ảnh: Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea) chưa trưởng thành tập uống sữa

Trong quá trình thực hiện việc chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã bước đầu gặp rất nhiều khó khăn do đây là công việc mang tính chuyên môn sâu về thú y, về tập tính sinh học của động vật hoang dã. Kinh nghiệm và nhân lực thực hiện việc chăm sóc còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức, các chuyên gia (thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, các lớp tập huấn về chăm sóc, cứu hộ ngắn hạn…) đã giúp Khu chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã vườn quốc gia bước đầu tiếp cận, thực hiện tốt công việc chăm sóc và cứu hộ. Trong thời gian vừa qua đã cứu hộ thành công một số loài thú nhỏ bị thương do dính bẫy, con non lạc bầy…và tái thả về môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của quốc gia. Từ đó, tạo nhiều niềm tin và động lực giúp các nhân viên khu chăm sóc, cứu hộ vượt qua muôn vàn khó khăn.

Ảnh: Chim Công lam Ấn Độ (Pavo cristatus) – Các cá thể đã trưởng thành.

Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ lâm sinh, nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khu chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã đã nhân nuôi thành công một số loài động vật thông thường như Chim Công lam Ấn độ, Chim trĩ 7 màu đỏ, Trĩ khoan cổ…nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các loài mẫu vật sống để phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái Vườn quốc gia. Qua thời gian chăm sóc, theo dõi quá trình trưởng thành của các loài được cứu hộ tại đây, Phòng Khoa học Bảo tồn và Hợp tác quốc tế đã xây dựng được quy trình chăm sóc, nhân nuôi sinh sản, tập tính của một số loài để làm cơ sở, tiền đề thực hiện các Đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của Vườn quốc gia.

Ths. Hồ Đắc Long – Phòng Khoa học Bảo tồn và Hợp tác quốc tế – VQG Lò Gò Xa Mát

Bài viết liên quan